Ngày 29/9, tại TP Buôn Ma Thuột, Sở Công Thương Đắk Lắk phối hợp các sở, ngành liên quan của tỉnh có buổi làm việc với Sở Công Thương tỉnh Champasak về chương trình hợp tác phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại và đầu tư giữa hai tỉnh.
Tại buổi làm việc, phía Đắk Lắk, ông Võ Thanh, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh đã giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và dịch vụ của tỉnh với những thông tin chính như: Đắk Lắk là tỉnh trung tâm khu vực Tây Nguyên, là nơi sản xuất và xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam; Đắk Lắk có hệ thống giao thông thuận tiện cả về đường bộ và đường hàng không; Đến với Đắk Lắk là đến với mảnh đất đầy tiềm năng và cơ hội đầu tư với nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng; Nguồn lao động trẻ, dồi dào, năng động và là thị trường có sức tiêu thụ hàng hoá hàng đầu ở khu vực Tây Nguyên.
Với diện tích tự nhiên 13.125,37 km2, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan, đất xám và một số nhóm đất khác rất phù hợp để phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, ca cao.
Tổng dân số của tỉnh hiện có khoảng 1,8 triệu người, mật độ 134,05 người/km2, gồm 44 dân tộc. Lực lượng lao động khá dồi dào, chiếm 51% dân số (gần 990.000 người). Toàn tỉnh có 15.000 người có trình độ từ cao đẳng trở lên, có 30% số lao động được đào tạo nghề; cộng đồng dân cư mang nhiều đặc điểm đa dạng, cần cù, năng động.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 2.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành công nghiệp, trong đó có trên 100 doanh nghiệp chế biến cà phê, mỗi năm xuất khẩu khoảng 350.000 - 400.000 tấn cà phê nhân; 25 doanh nghiệp chế biến gỗ tinh chế xuất khẩu; 5 nhà máy chế biến mủ cao su có công suất 25.000 tấn/năm; 1 nhà máy bia công suất 70 triệu lít/năm.
Bên cạnh đó, toàn tỉnh có 13 công trình thủy điện đang hoạt động, mỗi năm cung ứng khoảng 3 - 4 tỷ Kwh điện; 1 khu công nghiệp và 11 cụm công nghiệp; gần 50.000 doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực thương mại, du lịch, khách sạn, nhà hàng… Ông Thanh cho rằng, với những tiềm năng, thế mạnh của Đắk Lắk sẽ có nhiều doanh nghiệp của hai tỉnh tìm hiểu, xúc tiến các cơ hội kinh doanh và xuất nhập khẩu.
Phía tỉnh Champasak, ông Nalongsak Sattakun, Giám đốc Sở Công thương cũng giới thiệu những tiềm năng, thế mạnh và tình hình hội nhập quốc tế hiện nay của tỉnh; cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Champasak trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp chế biến nông sản sạch, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - xã hội…
Ông Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Champasak cũng mong muốn hai bên thường xuyên gặp gỡ, trao đổi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Công Thương hai tỉnh Đắk Lắk và Champasak đã ký biên bản ghi nhớ chương trình hợp tác phát triển kinh tế công nghiệp, thương mại và đầu tư, giữa 2 tỉnh trên các lĩnh vực như: trao đổi thông tin và kiến thức liên quan đến lĩnh vực công nghiệp và thương mại; hỗ trợ và phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo, nhằm nâng cao năng lực, tăng cường sự hiểu biết của cán bộ, nhân viên; hợp tác trong lĩnh vực đối ngoại, nhằm nâng cao hiệu quả chương trình đối ngoại. Các doanh nghiệp của 2 tỉnh cũng đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với nhau và hứa hẹn nhiều sự hợp tác trong tương lai./.