Tại hội thảo: "Quản lý và giám sát tài chính công trước những vấn đề nợ công ở châu Âu và những hàm ý đối với Việt Nam" do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia tổ chức hôm nay, các chuyên gia đã đưa ra báo cáo tình trạng nợ ở mức độ nguy hiểm của nhiều nền kinh tế trên thế giới như một thông điệp về những tác động khôn lường của việc chi tiêu "quá đà" ở nhiều quốc gia.

Ông Peter Charleton, chuyên gia Ngân hàng Trung ương và cơ quan dịch vụ tài chính Ailen cho rằng, dù chưa thấy một cuộc khủng hoảng tài khóa hay khủng hoảng nợ tại Việt Nam vì Việt Nam có khả năng phát triển nhanh chóng nhưng mối đe dọa cho sự phát triển liên tục sẽ không đến từ kinh tế thế giới hoặc từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mà nó sẽ tạo ra trong nội tại nền kinh tế và cũng có thể từ sự yếu kém của ngành ngân hàng nên cần hết sức thận trọng.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa, khủng hoảng nợ châu Âu sẽ tác động tiêu cực đến tình hình phát triển và tăng trưởng của Việt Nam, lãi suất thấp ở các nước trong khi cao ở Việt Nam sẽ là bất lợi về chi phí cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng giảm vì chịu sự tác động này.

Cũng theo ông Nghĩa, để giảm tác động trên đến nền kinh tế trong nước, Việt Nam cần kiểm soát chặt chẽ hơn tốc độ tăng và hiệu quả sử dụng nợ công, trên cơ sở kiểm soát thâm hụt ngân sách hợp lý và có chiến lược cụ thể về huy động và sử dụng hiểu quả nợ công trong trung hạn. Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Xuân Nghĩa đã đưa ra một số giải pháp như: Chính phủ cần kiểm soát chặt chẽ hơn tốc độ tăng và hiệu quả sử dụng nợ công, trên cơ sở kiểm soát thâm hụt ngân sách hợp lý và có chiến lược cụ thể về huy động và sử dụng hiệu quả nợ công./.