“Đến nay, trên thế giới đã có gần 100 quốc gia thành lập Hội đồng thống kê quốc gia để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, phối hợp các hoạt động thống kê quốc gia. Đây không chỉ là kinh nghiệm tốt cho thống kê Việt Nam mà còn là nhu cầu và đòi hỏi hội nhập với cộng đồng thống kê quốc tế của Việt Nam.”
Nhận định được đưa ra tại hội thảo Mô hình Hội đồng thống kê quốc gia, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP tổ chức sáng 10/12 tại Hà Nội.
Sau 10 năm triển khai và thực hiện, ngoài những kết quả đạt được Luật thống kê cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế cần được đửa đổi, bổ sung hoàn chỉnh để phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn và môi trường pháp lý chung hiện nay ở Việt Nam.
Tại hội thảo nhiều đại biểu nhận định: Một trong những nội dung cần được sửa đổi trong Luật thống kê là “Bổ sung các quy định liên quan đến cơ chế điều phối công tác thống kê và thông tin thống kê quốc gia”, đồng thời việc phối hợp trao đổi, chia sẻ, kết nối thông tin giữa hệ thống thống kê tập trung với các Bộ, ngành, địa phương là một trong các hoạt động lớn và hết sức quan trọng của Chiến lược phát triển thống kê Việt Nam giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Nếu thực hiện tốt các hoạt động này, không chỉ tiết kiệm chi phí cho khâu thu thập dữ liệu, giảm gánh nặng cho các đối tượng trả lời mà còn nâng cao chất lượng thống kê Việt Nam.
Ông Bakhodir Burkhanov, Phó đại diện Chương trình phát triển Liên hiệp quốc UNDP tại Việt Nam nhấn mạnh: Những thông lệ tốt từ các nước khác cũng như những hướng dẫn của chính LHQ trong việc hình thành luật thống kê đã thể hiện việc thiết lập cơ quan điều phối Quốc gia này nên được tiến hành song hành với những cải thiện như tăng cường sự độc lập của hệ thống thông tin cũng như thúc đẩy việc phổ biến thông tin như việc thông qua một trung tâm thông tin về thống kê của quốc gia.
“Để thực thi luật thống kê có hiệu quả, cần phải triển khai một cách nhất quán những chính sách như phổ biến một cách minh bạch những dữ liệu thống kê và những cơ chế về điều phối… những điều đó đóng vài trò then chốt và thiết yếu để giúp mỗi quốc gia có thể đạt được những mục tiêu đề ra”, ông Bakhodir Burkhanov phân tích.
Chia sẻ kinh nghiệm về công tác thống kê của Ấn Độ, ông Ranganadham, Phó vụ trưởng, Ban thư ký Hội đồng thống kê New Delhi (Ấn Độ) cho biết, những người làm thống kê có 4 nhiệm vụ trong phát triển đất nước.
“Đầu tiên là thực hiện hoàn chỉnh điều tra gồm thu nhập, phân tích, diễn giải các số liệu thống kê liên quan. Thứ hai là trên cơ sở thông tin đó, giúp lựa chọn chương trình hành động hiệu quả. Thứ ba là khi kế hoạch đi vào thực hiện, đo lường tiến độ của công việc và đánh giá kết quả đạt được. Cuối cùng là trên cơ sở đánh giá đó hoặc viết báo cáo công việc đang xử lý như mong đợi hoặc đưa ra những dấu hiệu cảnh báo hoặc không tương xứng với nỗ lực, trong trường hợp kế hoạch có thể thay đổi”, ông Ranganadham bày tỏ.
Tại hội thảo, các diễn giả trong và ngoài nước cũng tập trung thảo luận về thực trạng công tác phối hợp hoạt động thống kê Việt Nam, quan điểm, nguyên tắc mô hình, vị trí, chức năng, tiêu chí lựa chọn nhân sự và lộ trình thành lập Hội đồng thống kê quốc gia./.