Dự án đường cao tốc từ Dầu Giây (Đồng Nai) đến Phan Thiết (Bình Thuận) là dự án đầu tiên được đầu tư theo hình thức hợp tác giữa Nhà nước và tư nhân (gọi tắt là hợp tác công - tư PPP).

Theo các chuyên gia, kết quả từ việc thực thi dự án này sẽ được tổng kết, rút kinh nghiệm cho các dự án tiếp theo, đồng thời từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý nhằm thu hút vốn từ khu vực kinh tế tư nhân, đầu tư cho kết cấu hạ tầng ở nước ta .

Kỳ vọng dự án PPP “hình mẫu”

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có chiều dài khoảng 100km, quy mô đường cao tốc với 4 làn xe giai đoạn 1 và 6 làn xe giai đoạn 2, khi đưa vào sử dụng sẽ đáp ứng được lưu lượng vận chuyển cao, rút ngắn khoảng cách từ thành phố Hồ Chí Minh tới các khu công nghiệp, cảng biển, sân bay và kết nối các trung tâm kinh tế, du lịch tại khu vực Nam Trung bộ.

mo-hinh.jpg
Mô hình đường cao tốc Giầu Dây - Phan Thiết

Với tổng vốn đầu tư gần 15.900 tỉ đồng (tương đương 757 triệu USD), nhà đầu tư thứ nhất được lựa chọn là Tập đoàn Bitexco (có tỉ lệ vốn góp 60% vốn chủ sở hữu dự án), nhà đầu tư thứ 2 sẽ được lựa chọn thông qua đấu thầu cạnh tranh quốc tế (chiếm 40% vốn chủ sở hữu còn lại).

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, đây là lần đầu tiên tổ chức thí điểm hợp tác công - tư đối với dự án đường cao tốc, nên các công đoạn được thực hiện hết sức khẩn trương, chặt chẽ và việc lập hồ sơ mời thầu sẽ được hoàn thiện vào cuối tháng 12 năm nay, dự kiến đến cuối 2013 sẽ chốt danh sách các nhà đầu tư tham gia:

“Công tác đấu thầu sẽ được tiến hành vào đầu năm 2014. Tất cả công đoạn tuyển chọn đều hết sức nghiêm ngặt, đấu thầu cạnh tranh minh bạch. Kể cả giải phóng mặt bằng cũng phải triển khai hết sức quyết liệt, đảm bảo có mặt bằng sạch giao cho nhà đầu tư trước khi thi công để tránh rủi ro theo quy định của đấu thầu quốc tế PPP và quy định của Ngân hàng thế giới…”

Trong dự án này, Chính phủ đảm nhận toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng với khoản kinh phí lên tới 107 triệu USD; đồng thời Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về “Cơ chế Quản lý và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết thí điểm theo hình thức đối tác công - tư (PPP)”.

Chủ tịch Tập đoàn Bitexco - ông Vũ Quang Hội cho biết, từ năm 2007, Tập đoàn Bitexco đã nghiên cứu dự án này, đến nay mọi công việc chuẩn bị đã hoàn tất. Bitexco coi đây vừa là cơ hội hợp tác đầu tư vừa là bước đi tiên phong đối với hình thức hợp tác công - tư trong phát triển kinh tế xã hội ở nước ta: “Ngày hôm nay chúng ta đã có dự án thí điểm đầu tiên, có cơ chế thí điểm được phê duyệt, sự cam kết của Chính phủ, cam kết của Ngân hàng thế giới và các tổ chức quốc tế cho dự án này. Đây chính là cơ hội tốt cho nhà đầu tư tương lai, các nhà đầu tư thứ 2. Đây còn là cơ hội để mở ra một kênh vốn tốt để huy động vào VN, để mà phát triển các lĩnh vực còn kém phát triển của chúng ta, để phát triển kinh tế xã hội…”.

Theo ông Mark Moseley, Trưởng nhóm công tác của Ngân hàng thế giới (WB), hàng năm Việt Nam cần một khoản tiền lớn tương đương 40 tỉ USD để đầu tư cho kết cấu hạ tầng giao thông, trong khi ngân sách Nhà nước không thể đảm bảo đủ cho những công trình lớn, cũng không thể trông đợi nhiều vào vốn ODA, thì hợp tác công tư - PPP được xem như đòn bẩy để phát triển hạ tầng tại Việt Nam mà dự án Dầu Giây - Phan Thiết là một ví dụ.

“Thành công của dự án này sẽ có ý nghĩa trực tiếp tới sự thành công của mô hình PPP trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam sau này. Ngân hàng thế giới tin tưởng thông qua các chương trình giới thiệu dự án, sẽ chọn được nhà đầu tư thứ hai đủ năng lực cùng Tập đoàn Bitexco hoàn thành dự án và cũng là cơ sở đảm bảo cho sự thành công của mô hình hợp tác công – tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng tại Việt Nam”- ông Mark Moseley nói.

Hoàn thiện khung pháp lý PPP

Theo Bộ Giao thông Vận tải, nhu cầu vốn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở nước ta ngày càng tăng. Nếu như giai đoạn 2011 - 2015 cần khoảng 480 nghìn tỷ đồng, thì 5 năm tiếp theo (từ 2016 – 2020) là 730 nghìn tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn của kinh tế hiện nay, việc có được nguồn vốn khổng lồ như trên gặp không ít khó khăn, vì thế vấn đề mở rộng hợp tác công - tư cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ngoài dự án Dầu Giây -  Phan Thiết, một số dự án giao thông lớn khác như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành… đang được Bộ Giao thông - Vận tải đề xuất áp dụng theo hình thức hợp tác công tư;  Thành phố Đà Nẵng cũng đang đề xuất áp dụng cơ chế PPP đối với một số dự án lớn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hợp tác công tư ở nước ta còn rất mới, hơn nữa khu vực kinh tế tư nhân chưa “mặn mà”, vì các quy định hiện hành chưa thực sự hấp dẫn họ.

Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 71 ban hành “Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công – tư”, được coi là cơ sở pháp lý đầu tiên, tạo điều kiện cho hợp tác công - tư được thực hiện tại Việt Nam. Theo Quyết định này, các nhà đầu tư, nhà thầu tham gia dự án sẽ được ưu đãi về một số loại thuế, được quyền mua ngoại tệ, được bảo đảm cung cấp các dịch vụ công cộng và ưu đãi vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại.

Theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, các quy định về hợp tác công - tư cần được xây dựng theo hướng mở và năng động, minh bạch hơn, nhất là vấn đề lợi ích giữa các bên: “Chủ yếu là mối quan hệ lợi ích công và tư như thế nào, nhà đầu tư được đảm bảo lợi ích đến mức nào khi họ tham gia hợp tác công tư, thì hành lang pháp lý hiện chưa thật rõ ràng. Và thứ hai là việc định giá của nhà đầu tư phải theo thị trường, chứ không phải theo giá áp đặt, nhất là trong lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng. Sắp tới chúng ta cần cố gắng đi vào từng lĩnh vực của chính sách để đưa ra những quy định cụ thể”.

“Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư” có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2011 và được thực hiện trong thời gian từ 3 đến 5 năm, trong khi chờ khi Chính phủ ban hành Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư thay thế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hợp tác công tư ở nước ta bằng một Nghị định hoặc một đạo luật riêng, nhằm tạo môi trường pháp lý bình đẳng, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nhà nước, tư nhân và xã hội mới có thể thu hút hiệu quả nguồn vốn của khu vực kinh tế tư nhân trong hợp tác công - tư./.