Phục hồi sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, trong khi đang còn quá nhiều khó khăn bởi dư âm của dịch Covid-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp (DN) phải gắng sức. Trong bối cảnh đó, rất cần có các chính sách thiết thực kịp thời, cùng sự can thiệp của Nhà nước để “cứu” các DN.
Tuy nhiên, theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, hiện nhiều chính sách vẫn chưa đi vào cuộc sống. Gói hỗ trợ cho vay 16.000 tỷ đồng gần như không có được kết quả bao nhiêu. Gói hỗ trợ 26.000 tỷ dù đã cho các DN vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đến 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh thành phố, nhưng vẫn là quá ít trong bối cảnh rất nhiều DN cần hỗ trợ.
Để gói kích thích ban hành “vừa đủ liều lượng, vừa đúng và trúng đối tượng” và thực thi nhanh vào cuộc sống, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn gợi mở, gói kích thích hỗ trợ DN kịp thời nhất hiện nay vẫn là việc gia hạn nợ, khoanh nợ cho các DN, nhất là các DN trong khu vực dịch vụ. Cụ thể, cần thực hiện miễn, giảm thuế, lùi thời gian đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh, miễn, giảm các nghĩa vụ đóng góp, chú ý đến khoanh nợ cho các DN bị tác động nặng nề.
Cùng với đó, cần cơ cấu lại các khoản nợ, khoanh trả lãi tiền vay, không tính vay quá hạn; thuận lợi hóa tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho DN; miễn giảm thuế trong đó có thuế VAT ở một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề và có tầm quan trọng để DN có thời gian phục hồi.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn cũng lưu ý, cần tập trung cắt giảm chi phí logistics, chi phí vận chuyển. Chú trọng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và giá thành vận chuyển, rà soát, tháo gỡ ngay các khó khăn về chi phí logistics và tình trạng thiếu container; tiếp tục cắt giảm các loại phí, chi phí đối với các hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu.
“Cần coi các khu công nghiệp là các thành trì cần được bảo vệ và duy trì sản xuất, ngăn chặn để đảm bảo dịch không xâm nhập và lây lan tại các khu công nghiệp và một vài trọng điểm kinh tế. Bảo vệ và duy trì sản xuất các khu công nghiệp là bảo vệ uy tín của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về phục hồi chuỗi cung ứng, từ đó giữ các nhà đầu tư nước ngoài cũng như tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài khác”, PGS. TS. Bùi Quang Tuấn chỉ rõ.
Thời gian qua, việc kéo dài thời gian giãn cách đã khiến các DN nói chung và DN vận tải nói riêng gặp phải những khó khăn tài chính trong ngắn hạn. Do đó, PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội nhận thấy sự hỗ trợ cần thiết của Chính phủ tuy có phát huy tác dụng hoặc chưa kịp thời, hoặc chưa đủ mạnh để DN có thể đảm bảo duy trì đứt gãy trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, những yêu cầu về sản xuất “3 tại chỗ”; “hai cung đường một điểm đến” đã và đang làm chi phí của DN tăng cao, kết hợp với nguồn cung lao động khan hiếm đã khiến cho nhiều DN phải đóng cửa.
Do đó, theo PGS.TS. Phạm Hồng Chương, cần đổi mới phương thức phòng, chống dịch vì tình trạng miễn dịch cộng đồng sống chung với Covid-19 sẽ rất tốn kém. Từ chỗ truy vết F0 là mục tiêu hàng đầu sang chữa bệnh giúp cho bệnh nhân phục hồi và giảm thiểu tỷ lệ tử vong. Bên cạnh đó, cần xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch có sự nâng cao tính chủ động thực hiện.
“Tập trung giải quyết các nút thắt trong lưu thông, tạo thông thoáng cho luồng vận chuyển huyết mạch hàng hóa. Nhanh chóng áp dụng hộ chiếu vaccine để tạo nguồn “lao động xanh” trong toàn xã hội, giúp DN có đủ nguồn cung lao động và cho phép DN tự chủ nhiều hơn. Cùng với đó, tăng cường hỗ trợ sự phục hồi của mạng lưới logistics và có chính sách kịp thời hỗ trợ DN thuế về lãi suất, mặt bằng các khoản phí, lệ phí khuyến khích DN hình thành chuỗi cung ứng, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu”, PGS.TS. Phạm Hồng Chương chỉ rõ.
Nhìn nhận ở phạm vi rộng hơn để thực hiện tái cơ cấu kinh tế cho giai đoạn 2021-2025, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường, Học Viện Tài chính cho rằng, Việt Nam cần xem xét các gói chính sách tài khóa để hỗ trợ người dân và DN phục hồi sau dịch.
“Điều này khuyến khích DN trong một số lĩnh vực tiếp tục bỏ tiền đầu tư và phục hồi sản xuất trong các năm 2021-2022. Có thể nghiên cứu chính sách cho phép chuyển lỗ về trước, hoặc chính sách cấp bù chi phí (DN bỏ chi phí, Nhà nước sẽ hỗ trợ tăng thêm bằng giảm trừ thuế thu nhập DN phải nộp. Điều này sẽ kịp thời tháo gỡ khó khăn, giảm căng thẳng cân đối luồng tiền, chi phí và áp lực tài chính ngắn hạn cho DN, hộ sản xuất kinh doanh”, PGS. TS. Vũ Sỹ Cường nêu rõ.
Và để xác định những nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế quý IV năm nay, TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright lưu ý, cần giữ mặt bằng lãi suất tiền gửi như hiện nay và tiếp tục giảm lãi suất cho vay tập trung vào giúp các DN tiếp cận được tín dụng và tái cơ cấu nợ vay. “Đây là những nhiệm vụ quan trọng trong quý IV năm nay, để đến năm 2022, hệ thống chính sách tiền tệ đảm bảo đủ thanh khoản và không để lãi suất tăng khi lạm phát vẫn trong tình hình kiểm soát tốt”, TS. Vũ Thành Tự Anh đề xuất.
Theo các chuyên gia, để hỗ trợ DN và các hộ kinh doanh phục hồi sau dịch, rất cần phải có một khung chiến lược phát triển hoàn toàn khác để nhận dạng được các động lực phát triển mới, từ đó định hình lại cơ cấu kinh tế. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến các chính sách về bảo trợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chính sách cho các nhóm yếu thế. Bởi đây là nhóm chịu tác động nhiều nhất và rất khó có thể gượng lại được nó có thể tạo ra các hệ lụy xã hội trong lâu dài./.