Thời gian qua, cả nước hừng hực khí thế khởi nghiệp, hàng loạt các startup (đơn vị khởi nghiệp) ra đời cũng đã gọi được vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế. Nhiều gương khởi nghiệp xuất sắc được vinh danh, trong đó có cả các sinh viên còn đang ngồi trên giảng đường đại học.

khoi_nghiep_wqog.jpg
Các đơn vị mới khởi nghiệp rất cần hỗ trợ (Ảnh minh họa: KT)

Cần “nhóm lửa” cho thế hệ trẻ

Nhiều câu chuyện khởi nghiệp thành công cũng nhiều, nhưng cũng có không ít người thất bại. Các bài học cho các startup cũng đã được mổ sẻ và chia sẻ ở nhiều diễn đàn, giúp cho thanh niên và các doanh nghiệp trẻ có cơ hội học hỏi và rút kinh nghiệm từ những gương khởi nghiệp điển hình, thấy được những khó khăn và góc tối trong khởi nghiệp.

Tiến sĩ Patrick Khor, một chuyên gia về khởi nghiệp tại Singapore, cho rằng điều quan trọng cần làm hiện nay là “phải biết truyền lửa cho thế hệ trẻ trước khi trang bị cho họ những kiến thức nói chung, khởi nghiệp nói riêng”.

Nếu không biết “nhóm lửa” cho họ sẽ không thể dẫn họ đi vào đời. Ngay cả khi lớp trẻ có ý tưởng cũng cần có niềm tin kiên định, đam mê mới dám dấn thân vào con đường tự mình mưu sinh với những vô vàn thử thách phía trước, TS. Patrick Khor chia sẻ.

Đồng tình ý với ý kiến này, doanh nhân Lương Tú Anh – CEO Công ty Mắt Bão (Hà Nội), người từng được vinh danh khởi nghiệp xuất sắc năm 2016, nhấn mạnh, việc truyền lửa cho thế hệ thanh niên mong muốn khởi nghiệp là việc làm ý nghĩa và tập trung vào mục tiêu đã đặt ra của Chính phủ.

Doanh nhân Lương Tú Anh

Theo doanh nhân Lương Tú Anh, việc hô hào khởi nghiệp rất có ý nghĩa với Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Việt Nam là một quốc gia khởi nghiệp và mục tiêu đặt ra là năm 2020, phải có 1 triệu doanh nghiệp.

Bà Lương Tú Anh cho rằng, mục tiêu này thể hiện sự quyết liệt, quyết tâm cao của chính phủ, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm tới việc hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp khi truyền tải những thông điệp và chính sách tích cực tới 3 đối tượng: sinh viên các trường cao đẳng đại học, thanh niên nông thôn và các doanh nghiệp trẻ.

Còn theo TS. Đỗ Minh Chính, Phó chủ tịch thường trực CLB Trí thức trẻ Hà Nội, khởi nghiệp là nguồn động lực rất tốt cho lớp trẻ và thực tế cũng đã từng cho thấy không ít công trình khởi nghiệp mang lại giá trị không chỉ cho người thực hiện mà còn cho cả xã hội.

Tuy nhiên, TS. Chính lưu ý, tỷ lệ khởi nghiệp thành công về cơ bản là rất nhỏ. Việc hô hào quá nhiều về khởi nghiệp trên thực tế có mặt trái vì nó cho nhiều bạn trẻ niềm tin thái quá. Nói đúng hơn, nó không còn là niềm tin mà là sự huyễn hoặc, ảo tưởng rất không có lợi vì các em chưa có kinh nghiệm, cũng chưa trang bị đủ kiến thức về mọi mặt để thực sự làm chủ một mô hình sản xuất hoặc kinh doanh.

TS. Đỗ Minh Chính

Theo kinh nghiệm của TS. Đỗ Minh Chính, trước khi khởi nghiệp, các bạn trẻ sau khi học tập và tốt nghiệp nên dành thời gian đi làm ít nhất là một vài năm ở các doanh nghiệp để tích lũy kinh nghiệm làm việc và để trải nghiệm môi trường kinh doanh chuyên nghiệp, có như thế thì khả năng thành công mới cao.

Việc hô hào khởi nghiệp do đó cũng nên kết hợp với việc chỉ ra những khó khăn, thách thức để người khởi nghiệp tự xác định được, không nên mặc nhiên khởi nghiệp là điều tốt, điều nên làm ngay, ông Chính bày tỏ quan điểm.

Khởi nghiệp không chỉ cần tiền

Chia sẻ về kinh nghiệp khởi nghiệp, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn Hoa Sen nhấn mạnh: Doanh nhân chính là một sự dấn thân, không phải hoa hồng, không phải thảm đỏ, mà đó là chông gai, là thách thức vì bản chất thị trường rất khắc nghiệt, luôn cạnh tranh, giống như một cuộc đua không thể dừng lại được.

Doanh nhân Lê Phước Vũ

“Nếu chúng ta chậm lại thì sẽ có người khác đuổi kịp và vượt qua và chúng ta sẽ mất lợi thế. Vì thế, muốn kinh doanh thành công thì phải luôn tạo lợi thế cạnh tranh và phải biết duy trì lợi thế cạnh tranh, phải luôn đón đầu các cơ hội và luôn thích nghi để vượt qua các thách thức” ông Vũ cho hay.

Đánh giá về cơ hội khởi nghiệp ở Việt Nam, ông Vũ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước đã xem thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp là trách nhiệm, đã khích lệ cộng đồng các bạn trẻ. Đây là cơ hội tuyệt vời, là môi trường tuyệt vời. Các bạn trẻ được ghi nhận, được đánh giá khích lệ, được tạo điều kiện thì không có lý do gì lại không nỗ lực để khởi nghiệp.

Tại Diễn đàn thanh toán điện tử Việt Nam 2017, khi được hỏi tiền có phải là vấn đề quan trọng hàng đầu trong khởi nghiệp, tỷ phú Jack Ma – ông chủ tập đoàn thương mại điện tử Alibaba lớn nhất Trung Quốc khẳng định: Vấn đề quan trọng hàng đầu trong khởi nghiệp kinh doanh không phải tiền mà là ý tưởng.

Tỷ phú Jack Ma

Khi có ý tưởng tốt sẽ tìm được đồng đội tốt, từ đó sẽ có tiền. Khởi nghiệp không có chỗ cho những người thụ động. Nếu có ý tưởng hay, đam mê với nó thì dù kinh doanh nhỏ nhưng hiệu quả từ đầu sẽ tạo được lòng tin, lúc đó ắt sẽ được người thân, ngân hàng đầu tư cho vay để làm những việc lớn, tỷ phú Jack Ma cho biết.

Bên cạnh ý tưởng, nỗ lực của doanh nghiệp thì vai trò của Chính phủ, bộ máy chính quyền cũng rất quan trọng. Theo ông chủ Alibaba, thủ tục hành chính cần cải thiện một cách nhanh nhất có thể, bỏ cơ chế xin – cho, thủ tục giấy tờ phức tạp…

Theo báo cáo của CB Insight, trong khi có gần 10% công ty khởi nghiệp thành công, khoảng 20 - 30% sớm thất bại thì số còn lại - là các công ty "xác sống" chỉ tạo ra doanh thu vừa đủ bù cho chi phí hoạt động, số tiền này giảm dần, công ty tiếp tục sống ì ạch trong một khoảng thời gian dài và gần như không thể sống sót./.