Với sự kiện Hiệp định CPTPP vừa được ký kết, chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ nhận định, đây là sự kiện quan trọng của sự hội nhập khu vực Châu Á- Thái Bình Dương trong bối cảnh mới của toàn cầu hoá, tự do hoá thương mại, đầu tư, đang có những bước đi dích dắc do khuynh hướng bảo hộ nổi lên ở một số quốc gia trong khu vực này và trên thế giới.

CPTPP được ký kết chứng tỏ xu hướng toàn cầu hoá, tự do hoá không thể đảo ngược, dù có lực cản lớn như Mỹ. Đồng thời cũng chứng tỏ quá trình này có thể vượt qua nhiều trở ngại, thích nghi được với những thay đổi phức tạp của thế giới ngày nay và tạo ra những thể chế quản trị sự hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, phù hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế mới. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hé mở khả năng quay trở lại với CPTPP càng cho thấy điều đó.

11_ijzx.jpg
Hiệp định CPTPP được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Theo ông Lưu Bích Hồ, Hiệp định CPTPP chắc chắn sẽ mở ra những cơ hội phát triển và hợp tác mới to lớn cho các nước tham gia, trong đó nước ta sẽ được hưởng lợi nhiều nhất về thương mại, đầu tư, tăng trưởng kinh tế, cải cách thể chế, nếu chúng ta đáp ứng được những yêu cầu hội nhập của hiệp định.

Ông Hồ kỳ vọng, sau ký kết Hiệp định CPTPP, các quốc gia sẽ hoàn tất quá trình phê chuẩn đúng hạn định và triển khai thực hiện theo dự kiến. Khi đó, sức hấp dẫn của Hiệp định với các nước khác trong khu vực sẽ lớn hơn, không chỉ Mỹ mà cả các nước ngoài khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cũng có thể tham gia hiệp định. Đặc biệt, hiệp định này sẽ là động lực mới góp phần thúc đẩy mạnh hơn quá trình đổi mới cải cách và hội nhập sâu rộng hiệu quả, phát triển kinh tế nhanh và bền vững của Việt Nam trong thời gian tới.

Điểm nhấn của Hiệp định này là không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại... mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước... Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước. Từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên. Có thể nói đây là tín hiệu vui của nhiều các doanh nghiệp.

Ông Phạm Ngọc Thành-Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm cho rằng, khi Hiệp định CPTPP được thông qua, các doanh nghiệp cũng sẽ có thêm cơ hội mới để mở rộng việc cung cấp các sản phẩm vào thị trường các quốc gia thành viên. Đồng thời, thêm đối tác mới, chủng loại hàng hóa mới từ các quốc gia khác để mở rộng quy mô hàng hóa, dịch vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Bên cạnh đó, Hiệp định sẽ là xung lực mới, tạo ra sân chơi công bằng, minh bạch, là cơ sở, nền tảng để các doanh nghiệp có tầm nhìn, định hướng, phát triển bền vững, có cơ hội tốt để vươn lên. Ông Phạm Ngọc Thành kỳ vọng, sau khi Hiệp định được thông qua, doanh nghiệp của ông nói riêng và các doanh nghiệp Việt Nam nói chung sẽ có những bước phát triển đột phá về hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng tầm phát triển về thương hiệu của doanh nghiệp.

Bên cạnh những ưu đãi “vàng” mà Hiệp định CPTPP mang lại, thách thức lớn nhất của kinh tế Việt Nam là năng lực cạnh tranh. Cụ thể, trong lĩnh vực nông nghiệp, rào cản kỹ thuật là lớn nhất, trong đó yêu cầu về vấn đề an toàn thực phẩm; vấn đề năng suất, chất lượng sản phẩm…

Cùng với đó, sức ép cạnh tranh đối với các DN Việt Nam sẽ tăng lên và nguy cơ thất bại của các DN trên chính thị trường nội địa nếu không nhanh chóng và quyết liệt thay đổi cung cách làm ăn. Không chỉ nông sản mà các DN dệt may của Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có thể phải bán lại thương hiệu cho công ty nước ngoài, hoặc phải đi gia công cho các thương hiệu và phân phối ngay tại thị trường trong nước.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, để khắc phục những khó khăn này, chúng ta phải tập trung tái cơ cấu ngành. Trong kinh tế vĩ mô, áp lực rất lớn là phải cải cách thể chế. Để hội nhập được thì thể chế phải phù hợp, kinh tế vĩ mô ổn định, luật pháp phải phù hợp với thông lệ quốc tế./.