Ngày 10/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương.
Chỉ thị nêu rõ, thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương diễn ra khá phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tại Chỉ thị này Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đúng tác động bất lợi do nợ đọng xây dựng cơ bản gây ra, tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để xử lý, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương.
Thủ tướng yêu cầu, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản là một nội dung quan trọng của tái cơ cấu đầu tư công và lập lại kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản; đồng thời, là một trong các giải pháp để ổn định tài chính vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.
Từng địa phương phải kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian qua. Đồng thời, phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của khối lượng đã thực hiện tính đến ngày 31/12/2011, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, thống kê, phân loại nợ đọng, xác định cụ thể nguyên nhân của từng khoản nợ đọng (khách quan, chủ quan); trên cơ sở đó có kế hoạch và lộ trình xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ quan một cách công khai, công bằng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để.
Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản được tiến hành dần theo lộ trình từng năm và thứ tự ưu tiên hợp lý. Các địa phương xây dựng phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Từ năm 2013, các địa phương phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương và coi đây là chỉ tiêu bắt buộc trong quy trình tổng hợp, bố trí và giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách địa phương; bảo đảm hàng năm trước ngày 20/5 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Chỉ được bố trí vốn cho các dự án mới sau khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng theo kế hoạch. Những địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn thì không bố trí vốn cho việc khởi công mới các dự án; đồng thời, phải thực hiện đình hoãn một số dự án để tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định tại Chỉ thị này.
Các bộ, địa phương phải chủ động đánh giá, xác định hiệu quả, mức độ hoàn thiện, khả năng khai thác của từng dự án, công trình để thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với những công trình đầu tư dở dang do nợ đọng xây dựng cơ bản.
Ðối với những công trình thật sự có hiệu quả, mức vốn hoàn thiện không lớn thì tập trung bố trí vốn đầu tư dứt điểm để đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Những công trình có khả năng khai thác từng phần thì hoàn thiện đưa vào sử dụng từng hạng mục theo khả năng nguồn vốn cho phép, các hạng mục còn lại phải kiên quyết đình hoãn.
Những công trình dang dở khác cần phải có biện pháp xử lý phù hợp (như chuyển đổi hình thức đầu tư) hoặc kiên quyết tạm dừng thực hiện.
Định kỳ, 6 tháng một lần, các địa phương có trách nhiệm báo cáo tình hình và kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Ðầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ...
Để không phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản mới, từ năm 2013 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; xác định rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản.../.