Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 – HĐND TPHCM khóa IX, chiều nay (11/7), các đại biểu thảo luận tại Hội trường về các vấn đề về quản lý đất công, tình trạng quy hoạch treo, công viên bị lấn chiếm.

Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê nhận định, tài nguyên đất của TPHCM không phải không có mà buông lỏng quản lý, có lúc muốn phát triển phúc lợi xã hội, nhưng có lúc làm dự án ở khu dân cư ổn định để đền bù, trong khi đó vẫn còn quỹ đất.

vov_hcm2_vaiw.jpg
Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê.
Ông Khuê cho rằng, những mặt bằng kho bãi, nhà xưởng đang sử dụng chưa đúng mục đích, cần thu hồi để xây trường học, dự án phúc lợi xã hội, các quận, huyện cần thống kê đầy đủ khai thác tốt nhất. Đặc biệt, ông Phan Nguyễn Như Khuê đề nghị thành phố cần phải kiên quyết hơn nữa trong xử lý các dự án treo, trong đó có dự án đặc biệt lớn ở bán đảo Thanh Đa, một bán đảo dù không quá xa trung tâm thành phố nhưng lại như một vùng đất hoang hóa.

"Việc chuyển đổi đầu tư khu đô thị mới, mang lại cuộc sống tốt hơn là mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền. Phải nói là lãnh đạo thành phố luôn đau đáu nhưng không vì trông chờ vào chủ đầu tư mà để cuộc sống người dân bị “treo”, khó khăn đến thế. Phải đột phá ngay để giải quyết quyền lợi chính đáng người dân. Có thể là sửa chữa tu bổ lại, ngân sách có thể chăm chút về môi trường, vệ sinh. Làm sao để cuộc sống phải an toàn, khang trang" – ông Khuê nêu ý kiến.

Đại biểu Cao Thanh Bình lại cho rằng, qua khảo sát thấy rõ việc cho thuê sai thẩm quyền, nhiều đơn vị như Văn phòng UBND, phòng quản lý đô thị, UBND xã vẫn đứng ra ký hợp đồng cho thuê, trong khi chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền.

Đại biểu Cao Thanh Bình nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm nêu tình trạng lãng phí đất công kéo dài nhiều năm gây bức xúc cho người dân, nhiều nhà bỏ không, lợi nhuận không vào ngân sách nhưng vào túi riêng cá nhân, tổ chức. Có nghịch lý là trong nhiều trường học chật hẹp, thiếu đất làm bệnh viện… thì nhiều công viên bị xâm phạm như Công viên 23/9,  Phú Lâm, Thảo Cầm Viên… gây nhiều bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, để xã hội đi vào nề nếp, thành phố thực sự hiện đại văn minh thì trước tiên các công trình công cộng phải sử dụng đúng công năng. 

Ngoài ra, các đại biểu còn có ý kiến về việc các dự án chậm triển khai, đất vẫn còn quy hoạch, người dân không được hưởng quyền lợi chính đáng, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm; tình trạng liên doanh, liên kết không đúng thẩm quyền, tiền nợ thuế không thu hồi được, lấn chiếm mặt bằng thu hồi không được…

Giải trình về tình trạng công viên bị lấn chiếm, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết: Sở đã trình UBND thành phố các phương án và tinh thần là Chủ tịch UBND thành phố cũng chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng này.

Hiện Sở đang tiếp tục rà soát lại hiện trạng quy hoạch tổng thể và chi tiết các công viên; kiên quyết thu hồi lấy lại mặt bằng, đúng chức năng công viên, đặc biệt trụ sở, nhà dân lấn chiếm và làm lại cơ sở dữ liệu, phân cấp quản lý.

“Chắc chắn các công viên hiện nay phải rà soát lại quy hoạch. Vì tất cả các quy hoạch trước đây không còn phù hợp, tính pháp lý không còn. Qua quá trình thực hiện thì phải làm lại quy hoạch để có cơ sở quản lý lâu dài, công trình nào phù hợp, công trình nào không, tính năng, công năng nào phải sắp xếp lại” – ông Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM phát biểu giải trình.
Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc cũng cho biết trong thời gian tới, Sở sẽ bố trí ưu tiên nguồn lực để cải tạo chỉnh trang các công viên cây xanh hiện hữu, tổ chức thi tuyển quốc tế để sử dụng tốt nhất các công viên… Công tác quy hoạch được quan tâm đặc biệt, nhất là các công viên trong các khu đô thị mới, ví dụ như Khu đô thị mới Thủ Thiêm để đáp ứng phục vụ cho cư dân tại chỗ và nhân dân.

Quan tâm đến hệ thống cây xanh dọc kênh rạch, đặc biệt là dọc theo sông Sài Gòn, ông Hoàng Tùng - Phó Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc kỳ vọng sẽ có quy hoạch tốt hơn về cây xanh và không gian mở cho thành phố.

Phát biểu giải trình bổ sung, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng đề ra 5 giải pháp lớn. Đó là, đẩy nhanh 26.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp, ưu tiên đất cho công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng ứng dụng khoa học công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thực hiện nhất quán công khai, minh bạch, chống tham nhũng đất thuộc sở hữu nhà nước. Cổ phần hóa đảm bảo đúng mục đích. Rà soát, tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong sử dụng đất thuộc quản lý Nhà nước.

Về dự án bán đảo Thanh Đa, ông Nguyễn Thành Phong chia sẻ khó khăn với người dân trong vùng dự án. Lãnh đạo thành phố đã thấy những khó khăn, bức xúc của nhân dân và sắp tới thành phố sẽ cố gắng tìm giải pháp giải quyết nhằm đảm bảo đời sống người dân.

HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục thảo luận tại Hội trường và sẽ bế mạc vào chiều 12/7./.