Một chuyên đề về Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố cùng cập nhật tình hình kinh tế Việt Nam, với đánh giá: Việt Nam dự kiến sẽ thay thế ngày càng nhiều hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào các thị trường TPP, cụ thể là Hoa Kỳ và Nhật Bản, và thực sự quá trình này đã và đang diễn ra trong khi TPP còn chưa được kí kết.
Quan hệ thương mại chặt chẽ với các nước thành viên TPP
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ thương mại và đầu tư chặt chẽ với các nước thành viên TPP. Hiện nay, các nước TPP chiếm 38,8% xuất khẩu, 22,2% nhập khẩu và 38,3% vốn FDI của Việt Nam. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia và Singapore nằm trong nhóm 10 nhà đầu tư và đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Dệt may được đánh giá có nhiều lợi thế vào TPP (Ảnh minh họa: KT) |
“Sự tham gia của Việt Nam vào TPP nằm trong nỗ lực hội nhập với nền kinh tế toàn cầu chung của Việt Nam và tiếp nối nỗ lực tự do hóa thương mại trong hai thập kỉ qua. Ngoài việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ và cắt giảm các biện pháp phi thuế quan ra, việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ và cắt giảm vai trò của các doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ tạo cơ sở tốt giúp thực hiện tái cơ cấu và cải cách thể chế tại Việt Nam”- Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Đức của WB nhìn nhận.
TPP được kỳ vọng sẽ tạo thêm cơ hội thương mại và đầu tư cho Việt Nam với các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. TPP được coi là một hiệp định thương mại tiêu chuẩn cao, giúp tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ thông qua cắt giảm thuế quan và các biện pháp phi thuế quan. Việt Nam là nước cung cấp hàng đầu các sản phẩm công nghiệp nhẹ và trung bình trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và có cơ hội tiếp cận các nền kinh tế giàu có nhất trong không gian TPP như Hoa Kỳ và Nhật Bản.
“Tiềm năng của TPP rất lớn nhưng chúng cũng đi kèm chi phí và rủi ro”- Chuyên gia kinh tế Phạm Minh Đức lưu ý. Bởi vì TPP là một hiệp định thương mại toàn diện và chi tiết, không chỉ đề cập vấn đề tiếp cận thị trường mà còn nhiều vấn đề rộng khác như mua sắm của chính phủ, chất lượng luật pháp, quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường và quyền sở hữu trí tuệ.
Ngoài việc cập nhật các cách tiếp cận truyền thống trong các hiệp định thương mại tự do trước đây TPP còn đưa vào thêm nhiều vấn đề thương mại và các vấn đề liên ngành mới nảy sinh. Đó là các vấn đề liên quan đến internet và nền kinh tế kĩ thuật số, sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước vào thương mại quốc tế và đầu tư, khả năng khai thác lợi thế do hiệp định thương mại mang lại của các doanh nghiệp nhỏ, và các chủ đề khác.
Tất nhiên, tự do hóa thương mại vẫn là nội dung quan trọng trong tiếp cận thị trường trong TPP, đặc biệt là đối với Việt Nam. Ngoài ra, TPP được đánh giá như là một hiệp định toàn diện, qui định cả những cam kết về cắt giảm các biện pháp phi thuế quan.
Việt Nam có lợi thế so sánh không nước nào có được
Theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Phạm Minh Đức, “TPP ước tính sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và việc làm. Trong số các nước tham gia TPP hiện nay Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và có một số lợi thế so sánh đặc biệt mà không nước nào có được, cụ thể là ngành công nghiệp chế tạo thâm dụng lao động và các ngành hiện nay đang chịu thuế suất cao như dệt may”.
Bằng việc tăng cường tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại nói chung. TPP dự kiến cũng sẽ làm tăng thêm khối lượng FDI vốn đã cao vào Việt Nam và làm tăng năng lực xuất khẩu, kể các các nhà cung cấp thượng nguồn cho các ngành hiện đang bị chi phối bởi qui định nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ (ví dụ dệt may).
Đến thời điểm hiện nay, Hiệp định TPP chưa chính thức có hiệu lực, nhưng nó đã được ước tính sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho Việt Nam về thương mại, đầu tư, tăng trưởng và việc làm. Ước tính sơ bộ của một mô phỏng kinh tế cho thấy, TPP có thể sẽ bổ sung thêm 8% GDP, 17% giá trị xuất khẩu thực tế, và 12% lượng tích lũy tài sản trong vòng 20 năm tới.
Phần đóng góp chính vào con số đó chính là mức giảm thuế quan đánh vào hàng xuất khẩu vào các nước trong khối, nhất là dệt may và phụ kiện. Thuế suất của Hoa Kỳ vẫn là 17% tính trên giá trị. Cắt giảm các biện pháp phi thuế quan cũng sẽ đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Đầu tư dự kiến sẽ tăng trên 20% khi TPP đi vào thực hiện và sẽ làm tăng đáng kể lượng vốn đầu tư và tăng trưởng dài hạn. Tiền lương 5 nhóm ngành dự kiến cũng sẽ tăng trong giai đoạn 2020-2035, trong đó tiền lương nhóm tay nghề thấp tăng nhanh nhất. Đặc biệt, TPP sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tăng khả năng thâm nhập thị trường và mở rộng cơ hội xuất khẩu.
Điểm nhấn quan trọng nữa được WB chỉ ra là hầu hết các loại thuế quan và nhiều biện pháp phi thuế quan đối với sản phẩm công nghiệp sẽ bị loại bỏ và cắt giảm ngay lập tức; thuế quan và các chính sách hạn chế khác đối với sản phẩm nông nghiệp sẽ bị loại bỏ và cắt giảm dần. Cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng do chi phí thương mại giảm.
“Tiếp cận thị trường, nhất là thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam. TPP sẽ thúc đẩy tăng trưởng thương mại (tạo dựng thương mại) và chuyển hướng thương mại do hàng hóa Việt Nam sẽ dần dần thay thế một phần hàng hóa từ các nước ngoài khối xuất khẩu vào Hoa Kỳ, kể cả Trung Quốc. Đồng thời nhập khẩu cũng tăng vọt do đầu tư và cầu về hàng hóa trung gian tăng”- TS. Phạm Minh Đức lạc quan dự báo./.