Trước diễn biến của thời tiết cực đoan, nhất là độ mặn lên cao, nhiệt độ chênh lệch nhiều giữa ngày và đêm đã làm cho hàng trăm ha nghêu ở các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre bị chết hàng loạt, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Khoảng gần 1 tháng nay, hầu hết ở 5 hợp tác xã có nuôi nghêu ở tỉnh Bến Tre gồm: Hợp tác xã thủy sản Bảo Thuận, Tân Thủy, An Thủy (huyện Ba Tri); HTX thủy sản Rạng Đông (huyện Bình Đại) và HTX thủy sản Thạnh Lợi (huyện Thạnh Phú) xảy ra nhiều đợt nghêu chết hàng loạt, thiệt hại hàng trăm ha nghêu.

vov_ngheu2_wtqx.jpg
Nghêu đến lứa thu hoạch bị chết hàng loạt.

Đáng lưu ý là tại HTX thủy sản Rạng Đông, huyện Bình Đại có đến gần 70ha nghêu ở kích cỡ từ 50-200 con/kg bị chết với tỉ lệ từ 60-90%, mật độ nghêu chết dày khoảng 3-6kg/m2.

Tại  HTX thủy sản Tân Thủy, huyện Ba Tri có diện tích nghêu chết gần 120ha, tỉ lệ chết khoảng 60%. Riêng HTX thủy sản Thạnh Lợi, huyện Thạnh Phú nghêu chết gây thiệt hại  hơn 21 tỉ đồng.

Trước tình hình nghêu chết hàng loạt, Chi cục thủy sản tỉnh Bến Tre phối hợp với Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, khảo sát nắm tình hình nghêu chết và thu mẫu gửi Chi cục thú y vùng 6 xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân. Qua kết quả xét nghiệm của Chi cục thú y Vùng 6, hiện tượng nghêu chết không do ký sinh trùng Perkinsus Olseni (loại ký sinh trùng gây dịch bệnh và chết nhiều trên nhuyễn thể).

Nhiều sân nghêu ở tỉnh Bến Tre chết hàng loạt.

Còn theo nhận định ban đầu của các HTX nuôi nghêu, hiện tượng nghêu chết trên là bất thường, không theo quy luật như những năm trước đây; nghêu chết có thể do độ mặn tăng cao từ 26‰ -30‰ và chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. 

Các ngành chuyên môn tỉnh Bến Tre cũng đã khuyến cáo các HTX thường xuyên vệ sinh, thu dọn xác nghêu chết không để xảy ra ô nhiễm môi trường, đồng thời chủ động thu hoạch sớm những loại nghêu tới tuổi nhằm hạn chế thiệt hại./.