Công trình Trung tâm Văn hóa Thể thao phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế có tiến độ thi công kéo dài gần 10 năm nay vẫn chưa hoàn thành. Công trình này có tổng kinh phí đầu tư giai đoạn 1 gần 22 tỷ đồng do Ban Đầu tư xây dựng huyện Phú Vang làm chủ đầu tư. Khởi công từ năm 2013, dự kiến hoàn thành sau 3 năm nhưng đến nay công trình vẫn dang dở, một số hạng mục đã xuống cấp. Hệ thống tường vách phía sau khu khán đài bong tróc, nhà chức năng xuống cấp, nứt nẻ bề mặt.
Bà Nguyễn Thị Kim Hoa, ở Tổ dân phố Tân Cảng, phường Thuận An, TP Huế cho biết, công trình bỏ bê lâu năm trở thành nơi chăn thả trâu, bò. “Công trình thi công dang dở nên đến nay đang hư hỏng nhiều, 2-3 năm rồi chưa thấy sửa sang. Bà con ở đây cũng mong muốn công trình được chỉnh trang lại cho đàng hoàng, nâng cao đời sống bà con, giúp bà con được hưởng lợi”, bà Hoa bày tỏ.
Quá trình thi công công trình Trung tâm Văn hóa Thể thao phường Thuận An do thiếu vốn, có năm được giải ngân vỏn vẹn 500 triệu đồng nên thời gian thi công kéo dài nhiều năm. Một số hạng mục phải sửa chữa, chắp vá, không bảo đảm chất lượng công trình khi đưa vào sử dụng.
Ông Huỳnh Văn Thông, Phó Chủ tịch phường Thuận An, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, cách đây hơn 1 năm, công trình được Ban Đầu tư xây dựng huyện Phú Vang bàn giao cho thị trấn Thuận An, nay là phường Thuận An, TP Huế quản lý, khai thác. Tuy nhiên, do nhiều hạng mục xuống cấp nặng nên công trình này không thể đưa vào sử dụng.
“Công trình đến nay gần 10 năm và số vốn đầu tư đã lên đến hàng chục tỷ đồng nhưng không được đưa vào sử dụng, rất lãng phí không những tiền bạc mà còn thời gian. Địa phương cũng mong muốn cấp trên quan tâm thêm để tiếp tục sữa chữa những hạng mục cơ bản nhất, để UBND phường có một khu vui chơi cho bà con, thanh thiếu niên tham gia tập thể dục, thể thao”, ông Thông nói.
Một dự án khác rơi vào cảnh tương tự là Dự án đầu tư xây dựng đường cứu nạn, cứu hộ Phong Điền - Điền Lộc ở huyện Phong Điền. Dự án có tổng mức đầu tư gần 672 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng Công trình giao thông tỉnh Thừa Thiên Huế làm chủ đầu tư. Con đường này có chiều dài toàn tuyến hơn 16 km, điểm đầu giao với Quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Phong Điền, điểm cuối là biển Điền Lộc. Riêng cây cầu vượt đường sắt dài 66m, rộng 15,5m thuộc dự án này có kinh phí đầu tư hơn 65 tỷ đồng. Dự án khởi công từ năm 2012, dự kiến sẽ hoàn thành trong 3 năm nhưng chỉ thi công một vài hạng mục rồi dừng thi công. Đến nay, do thiếu đường dẫn nên cây cầu này vẫn chưa xong và thời gian thực hiện đã kéo dài 10 năm.
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 19/350 dự án công trình chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu do vướng giải phóng mặt bằng và thiếu vốn.
“Chính quyền tỉnh cũng như các cơ quan địa phương rất quyết liệt trong việc tìm giải pháp để triển khai dự án. Dự án nào thiếu vốn, nguồn lực đã được hỗ trợ phân bổ, phân kỳ đầu tư để đảm bảo việc đưa vào sử dụng các dự án thành phần, đảm bảo phát huy hiệu quả dự án. Đối với các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao và sử dụng, tỉnh đôn đốc các chính quyền địa phương triển khai, đưa các dự án vào hoạt động, phát huy hiệu quả đầu tư”, ông Sơn quả quyết.
Các dự án đầu tư công chưa phát huy hiệu quả gây lãng phí lớn. Hiện tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án. Ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, tỉnh đã thành lập 4 tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để giải quyết các vướng mắc của các dự án.
“Chúng tôi đã cho rà soát các dự án và đã có chỉ đạo các Sở, ban, ngành đặc biệt là hai cơ quan Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong quá trình triển khai thực hiện, đề nghị giám sát đầu tư nếu quá thời hạn, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có giám sát và xử lý theo thẩm quyền. Những dự án đã được đầu tư nhưng thời gian đầu tư không đảm bảo, tỉnh cũng chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư có xem xét xử lí việc để chậm, dây dưa kéo dài”, ông Phương khẳng định./.