Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), chi phí nhiên liệu cho các hãng bay sẽ giảm xuống 192 tỷ USD năm tới, từ 204 tỷ USD dự đoán năm nay, bất chấp nhu cầu tiêu thụ tăng 4,8%. Mức giảm này tương đương 5% giá vé, chưa bao gồm thuế phí.
Dĩ nhiên, việc này sẽ kéo theo lợi nhuận. Lợi nhuận năm 2015 của các hãng bay được dự đoán tăng 25% lên 25 tỷ USD.
Chỉ số theo dõi các hãng bay thế giới của Bloomberg - Bloomberg World Airlines Index đã tăng 25% trong quý này. Mạnh nhất là các hãng Trung Quốc như China Eastern Airlines và Air China.
Trên Bloomberg, CEO Alan Joyce của Qantas Airways (Australia) cho biết hãng không thể cân nhắc giảm giá vé cho đến khi giá dầu giảm mạnh nữa. "Mọi người chưa bao giờ được hưởng giá vé thấp như thế này đâu", ông cho biết.
Còn George Hobica - Chủ tịch website theo dõi giá vé máy bay Airfarewatchdog thì cho rằng áp lực duy nhất lên giá vé bây giờ chỉ có đến từ các vấn đề địa chính trị, ví dụ như Aeroflot của Nga. Nếu khách hàng vẫn bay, các hãng sẽ vẫn không giảm giá. "Họ sẽ không nhả tiền ra đâu, trừ phi bị ép buộc. Họ sẽ chẳng làm thế chừng nào khách hàng còn bay", ông nói.
Peter Harbison - Chủ tịch CAPA Centre for Aviation cho biết: "Giá giảm đến vào thời điểm không thể nào tốt hơn với các hãng bay Đông Nam Á. Họ vẫn có thể có lãi khi giá dầu ở 100 USD mỗi thùng. Vì thế, với giá hiện tại, họ sẽ lãi kha khá".
Các hãng hàng không Mỹ từng phải sáp nhập sau khủng hoảng 2008 cũng sẽ được hưởng lợi. American Airlines Group cho biết có thể tiết kiệm được 2 tỷ USD năm tới. Delta Air Lines cũng sẽ giảm được 1,7 tỷ USD và Southwest Airlines dự báo con số này là 1 tỷ USD. "Giá dầu giảm thật là tuyệt vời", Gary Kelly - CEO Southwest cho biết tuần trước.
Dù vậy, với các hãng hàng không như Deutsche Lufthansa (Đức), đồng euro yếu sẽ làm giảm phần nào tác động của giá dầu giảm, Oliver Sleath - nhà phân tích tại Barclays cho biết. Còn EasyJet và British Airways của Anh thì dự đoán "hưởng lợi thêm một chút" nếu đồng bảng còn mạnh.
Những hãng vui mừng nhất tại châu Âu có lẽ là các hãng bay đang chật vật như TAP (Bồ Đào Nha), LOT Polish Airlines (Ba Lan) và Alitalia (Italy). Đã nhiều năm nay, các hãng này phải vật lộn với lợi nhuận suy giảm vì cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ giá rẻ.
Tuy nhiên, Joseph Denardi - nhà phân tích tại Stifel Financial cho biết: "Giá dầu sẽ tăng lại sớm thôi. Mức 40-50 USD một thùng sẽ không duy trì được lâu".
Giá ở mức này có thể là tín hiệu báo trước mối nguy cho ngành, do tăng trưởng kinh tế chậm lại cũng sẽ làm giảm nhu cầu di chuyển. Trong dài hạn, nó còn ảnh hưởng đến các hãng như Boeing hay Airbus nữa. Do các hãng này còn hàng nghìn đơn hàng máy bay sẽ giao từ nay đến cuối thập kỷ.
"Tôi không quá quan tâm đến giá dầu, hay cạnh tranh. Cái cần để ý là tình hình nhu cầu. Nếu nó đứng yên, hoặc đi xuống thì chẳng tốt chút nào", CEO hãng bay Virgin Australia cho biết./.