Tại tỉnh Quảng Ngãi, hạn hán đang diễn ra gay gắt, cả ngàn ha cây trồng bị bỏ hoang do thiếu nước tưới. Ngành nông nghiệp và các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra.

Vụ Hè Thu năm nay, bà Nguyễn Thị Em, ở xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi trồng hơn 1 sào bắp. Mấy ngày qua, bà phải túc trực bên đồng, thuê máy bơm tưới nước cho ruộng bắp. Chi phí thuê máy mỗi tuần 2 lần khoảng 500.000 đồng nhưng cũng chả thấm vào đâu khi thời tiết nắng nóng khô hạn như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Em cho biết, mình còn may mắn hơn nhiều nông dân ở huyện Sơn Tịnh không tìm ra nguồn nước đành chấp nhận nhìn cây trồng chết khô. “Tôi túc trực luôn ở ruộng từ sáng đến chiều mới lên bờ để canh nước tưới bắp. Nhưng bây giờ muốn thuê máy bơm cũng không có”, bà Em than thở.

vov_han2_EGYX.jpg
Nông dân Quảng Ngãi túc trực trên đồng bơm nước cứu cây trồng.

Tại xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, từ đầu vụ đến nay, nhiều diện tích lúa của nông dân phải bỏ hoang, không gieo sạ do không có nước tưới. Nhiều sông, suối tại địa phương này trơ đáy, ruộng đồng nứt nẻ. Đến nay, hơn 700 ha lúa Hè Thu của người dân xã Phổ Cường không có nguồn nước tưới. Ruộng đồng đã vậy, nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt còn nghiêm trọng hơn.

“Năm nay thời tiết quá nắng nóng đến cỏ cũng chết khô. Các máy bơm đã chạy hết công suất mà vẫn không đủ nước tưới”, ông Nguyễn Bổi, ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi thở dài.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, hiện tại lượng nước trữ của hầu hết các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đều ở mức thấp, chỉ đạt hơn 50% dung tích thiết kế, thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 25%. Một số hồ chứa có lượng nước dự trữ đạt thấp, chỉ từ 7% đến 20% như hồ Hóc Dọc, Thới Lới, Liệt Sơn… Trong khi cả tỉnh hiện có gần 1.200 ha đất nông nghiệp bỏ hoang do không có nước tưới.

Dự báo, vụ Hè Thu năm nay, lượng mưa tiếp tục thấp hơn và nền nhiệt độ sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, tình trạng thiếu nước, hạn hán và mặn xâm nhập sẽ ảnh hưởng trên diện rộng. Để ứng phó với hạn hán, giản thiểu thiệt hại, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các địa phương khẩn trương nạo vét, sửa chữa cửa lấy nước, tu bổ hệ thống kênh mương nội đồng, chống thất thoát nước và nạo vét, đắp ao hồ để thực hiện dự trữ nước cho sản xuất.

Ông Nguyễn Mậu Văn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh sẽ thực hiện đồng bộ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khuyến khích các loại cây trồng chịu hạn tốt.

“Những vùng canh tác xa công trình thủy lợi Thạch Nham như huyện Đức Phổ…cần phải mạnh dạn, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngay từ đầu vụ. Vấn đề này, các huyện đang tập trung tích cực triển khai”, ông Văn cho biết./.