Trong đó, số dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đạt mức độ 4 là 164; số DVCTT đạt mức độ 3 là 9; còn lại 10 thủ tục ở mức độ 1 và 2 (không triển khai DVCTT mức độ 4 do không hiệu quả). Tính đến hết 15/11, Hệ thống DVCTT Hải quan 36a (theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 về Chính phủ điện tử) đã tiếp nhận và xử lý gần 174.000 bộ hồ sơ, với sự tham gia của gần 24.000 doanh nghiệp và cá nhân.

Một số nội dung nổi bật về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) khác của ngành Hải quan là: Tiếp tục phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan và các cục hải quan địa phương rà soát, thống nhất các yêu cầu bài toán nghiệp vụ và thời gian thực hiện nâng cấp các hệ thống CNTT đáp ứng các quy định hiện hành của Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018, Thông tư 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018.

vov_hoat_dong_nghiep_vu_tai_chi_cuc_hai_quan_ha_trung_tinh_ca_mau_ggwt.jpg
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Hà Trung, tỉnh Cà Mau

Trong đó, Cục CNTT và Thống kê hải quan đã làm việc với Cục Thuế xuất nhập khẩu (XNK), Cục Giám sát quản lý về hải quan; đồng thời đã tiếp nhận các yêu cầu bài toán nghiệp vụ từ Cục Thuế XNK, Cục Hải quan TPHCM, Cục Hải quan Hải Phòng.

Tiếp tục hoàn thiện và triển khai mở rộng Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi trên phạm vi toàn quốc. Đến nay, Hệ thống được triển khai tại 25/35 cục hải quan địa phương cho 190 doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi.

Tổng cục Hải quan đang tiếp tục hoàn thiện các chức năng quản lý chi tiết theo mặt hàng về những thay đổi hình thái hàng hóa, chủ sở hữu hàng hóa trong quá trình lưu giữ tại kho ngoại quan trên hệ thống.

Bên cạnh đó, Cục CNTT và Thống kê hải quan tiếp tục hỗ trợ các đơn vị nghiệp vụ, các cục hải quan địa phương sử dụng, khai thác có hiệu quả Hệ thống thông tin hỗ trợ ra quyết định nghiệp vụ giai đoạn I; tiếp tục triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 mở rộng cho các ngân hàng thương mại; mở rộng Hệ thống quản lý văn bản điều hành tập trung (EdocCustoms) và các hệ thống CNTT khác… ./.