Tại cuộc họp "Thực hiện đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" mới đây. Tổng cục Hải quan đã thông tin về việc cơ quan hải quan phối hợp cùng các Bộ, ngành liên quan của Việt Nam, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ trong việc giám sát chặt chẽ lô hàng nguyên liệu nhôm có tổng khai báo là 1,8 triệu tấn, trị giá 4,3 tỷ USD của một Công ty tại Bà Rịa - Vũng Tàu để ngăn chặn nguy cơ gian lận xuất xứ khi xuất khẩu sang Mỹ. Cụ thể về vụ việc này, Tổng cục Hải quan vừa thông tin chính thức.

Theo Tổng cục Hải quan, lô hàng này là của Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) nhôm Toàn Cầu, trụ sở chính tại Khu Công nghiệp Mỹ Xuân B1 – Co nac, Phường Mỹ Xuân, Thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đây là doanh nghiệp chế xuất, do đó, theo quy định tại Điều 2 Luật Thuế Xuất nhập khẩu số 107/2015 và Nghị định số 134/2016 hàng hóa xuất nhập khẩu của Công ty thuộc đối tượng không chịu thuế.

Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, nguyên liệu nhôm nhập khẩu của Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu được đưa về nhà máy sản xuất để sản xuất một phần, một phần được đưa đi gửi tại bãi thuê ngoài của Công ty Cảng Dịch vụ dầu khí tổng hợp Phú Mỹ (tại bãi Công ty PTSC, bãi TH Thị Vải), Công ty TNHH dịch vụ kho vận PTL, Công ty Cổ phần Thành Chí.

nhom_sxmd.jpg
1,8 triệu tấn nhôm nghi gian lận xuất xứ vẫn đang tồn tại cảng.

Từ năm 2015 đến ngày 30/9 vừa qua, tổng lượng nhôm nguyên liệu nhập khẩu là hơn 2,44 triệu tấn, xuất khẩu 400.000 tấn. Tính trung bình hàng năm công ty nhập khẩu 488.000 tấn/năm, trong khi đó xuất khẩu chỉ 80.000 tấn/năm (bằng 16,3% lượng nhập khẩu hàng năm, bằng 40% năng lực so với công suất thiết kế). Riêng hoạt động nhập khẩu mặt hàng này trong năm 2019 này đã giảm hẳn.

Tính đến hết tháng 9 vừa qua, lượng nhập khẩu là gần 64.500 tấn, tương đối phù với lượng sản phẩm xuất khẩu trung bình hằng năm. Hiện, công ty này đang lưu giữ hơn 1,8 triệu tấn nhôm tại các kho thuê ngoài và hơn 200.000 tấn nhôm ở nhà máy, trị giá khoảng 4,3 tỷ USD. Nhôm nguyên liệu công ty nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, Mexico, Mỹ, Australia, Nga, Malaysia, Indonesia. Nhôm thành phẩm công ty xuất đi nhiều nước khác nhau như: Canada, Ai Cập, Ấn độ, Malaysia, Indonesia, Singapore, Mỹ…

Ông Âu Anh Tuấn, Quyền Cục trưởng Cục giám sát Hải quan, Tổng cục Hải quan, cho biết: “Hải quan xác định rằng có nguy cơ rất cao về gian lận xuất xứ và lẩn tránh thuế của các cơ quan nhập khẩu khác. Vì vậy cơ quan hải quan và các bộ ngành liên quan đang tăng cường kiểm tra giám sát mặt hàng này từ khi nhập khẩu trong suốt quá trình lưu giữ, trong hoạt động sản xuất và đến khi xuất khẩu. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào về gian lận xuất xứ thì sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan đển xử lý nghiêm, để tránh ảnh hưởng đến uy tín cũng như lợi dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển và thực hiện một số hoạt động gia công đơn giản, không đáp ứng với xuất xứ. Việc này cơ quan hải quan đã phối hợp rất chặt chẽ và giám sát thường xuyên và hàng tuần đều có theo dõi lượng nguyên liệu nhập, xuất, tồn để nếu thấy dấu hiệu bất thường thì sẽ có biện pháp xử lý ngay.

Theo quy định, doanh nghiệp được phép nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất và hiện tại doanh nghiệp vẫn khai báo nhập về để phục vụ sản xuất;  Khi nào doanh nghiệp đưa vào sản xuất thì theo dõi xuất hết, trong trường hợp đưa ra tiêu thụ nội địa thì cơ quan hải quan mới xử lý về thuế. Còn hiện tại doanh nghiệp vẫn được quyền lưu giữ tại các kho và cũng tại nhà máy của doanh nghiệp. Hải quan kiểm tra rất kỹ doanh nghiệp khai báo trong tờ khai để đối chiếu với các quy định Chính phủ cũng như của Bộ Công thương, nếu thấy có dấu hiệu về gian lận về xuất xứ, giả mạo xuất xứ thì cơ quan hải quan sẽ xử lý nghiêm”.

Theo quy định của Luật Hải quan, hàng hóa nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất chịu sự giám sát hải quan từ khi nhập khẩu, trong suốt quá trình sản xuất cho đến khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Do đó, Tổng cục Hải quan sẽ giám sát chặt chẽ hàng hóa thuê tại kho bãi ngoài của công ty Hoàn Cầu bằng hình thức camera giám sát tại cổng ra vào và toàn bộ khu vực bãi, bãi thuê có tường rào cứng ngăn cách với khu vực bên ngoài, có cán bộ công chức tuần tra, giám sát thường xuyên.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nêu rõ: vụ việc nhôm  của Công ty TNHH nhôm Toàn Cầu đã được báo chí phản ánh từ cuối năm ngoái,  tuy nhiên thời điểm này cơ quan liên ngành chưa đưa ra bất kỳ cơ sở nào về nghi vấn gian lận xuất xứ.

“Thứ nhất, cơ quan hải quan khi phát hiện phối hợp với Bộ An ninh rồi cơ quan Hải quan Mỹ để điều tra xác minh, kể cả những lô đi rồi và Hải quan không giữ ngăn chặn nguy cơ là giả mạo xuất xứ Việt Nam đối với doanh nghiệp này là vì có nhiều cái bình thường, chứ doanh nghiệp tồn 4,3 tỷ USD thì Hải quan không giữ, doanh nghiệp có thể tái xuất đi nước khác, đi tiêu thụ nội địa. Cơ quan hải quan phát hiện ra và ngăn chặn không để đội lốt xuất xứ Việt Nam để xuất đi Mỹ. Khi nào doanh nghiệp vi phạm pháp luật Việt Nam thì doanh nghiệp phải chịu. Cơ quan hải quan đã ngăn chặn kịp thời việc không tổn hại đến lợi ích quốc gia của Việt Nam, nhôm không đủ hàm lượng xuất xứ Việt Nam để xuất đi Mỹ để Chính phủ Mỹ trừng phạt hoặc áp dụng các biện pháp đối với Việt Nam. Hải quan Việt Nam đã ngăn chặn kịp thời đối với vụ việc này, dẫn đến số nhôm đó doanh nghiệp chưa xuất  được và phải tồn mấy năm, hiện nay tồn lên đến 4,3 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Cẩn nói.

Nhìn lại công tác giám sát và thống kê hải quan  thời gian qua, theo đại diện Tổng cục Hải quan, ngay từ cuối năm 2016, tờ Wall Street Journal đã có bài điều tra về 500.000 tấn nhôm đùn (dùng để sản xuất nhôm) được chuyển từ Mexico đến Việt Nam. Cụ thể: số nhôm xuất phát từ Mexico tới Việt Nam có khả năng liên quan đến một trong những người giàu nhất Trung Quốc là ông Liu Zhongtian, chủ tịch Công ty nhôm China Zhongwang Holdings. Tiếp tục điều tra cho thấy:  năm 2009 lượng nhôm Trung Quốc xuất sang Mỹ tăng đột biến, lên mức 192.000 tấn, gấp đôi so với năm 2008.

Cũng năm đó, giá nhôm nhập khẩu tại Mỹ giảm tới 30%. Nghi ngờ, các cơ quan chức năng của Mỹ đã vào cuộc điều tra. Kết qua, Tập đoàn China Zhongwang của ông Liu Zhongtian cùng nhiều đơn vị sản xuất nhôm của Trung Quốc đã bị cáo buộc bán phá giá. Năm 2010, thuế bán phá giá được áp lên mặt hàng nhôm từ Trung Quốc lên tới 374%. Khi đó, Bộ Công Thương cũng đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kho nhôm nghi vấn có nguồn gốc Trung Quốc tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu./.