Xã Quốc Tuấn (huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) có hơn 315 ha lúa và 26 ha hoa màu. Trước đây, mỗi hộ trong xã được phân chia từ 5 – 6 thửa ruộng. Diện tích ruộng nhỏ lẻ, manh mún, các hộ "mạnh ai, nấy làm", mỗi hộ trồng 1 giống, chăm bón 1 kiểu, cây trồng dễ bị sâu bệnh, năng suất không cao. Từ năm 2015, sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, xã Quốc Tuấn đã quy hoạch đất canh tác trên địa bàn thành các vùng chuyên canh với quy mô, diện tích lớn.
“Những năm gần đây, chúng tôi đã hình thành được những vùng lúa chất lượng, canh tác rất thuận lợi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giảm chi phí cho nông dân. Điển hình như vụ Mùa năm 2020, chúng tôi đã đưa cơ giới hóa cấy bằng mạ khay, riêng Quốc Tuấn cấy được 10,9 ha; trong đó có 3 vùng, cấy tập trung "1 vùng 1 giống 1 thời gian" đạt năng suất cao”, ông Phạm Công Sáng, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Quốc Tuấn cho biết.
Từ năm 2016, các vùng chuyên canh nông nghiệp của Hải Dương có thêm cơ chế, động lực để phát triển và mở rộng khi tỉnh triển khai Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững giai đoạn 2016-2020". Không chỉ được hỗ trợ kinh phí đầu tư sản xuất, người dân tham gia sản xuất hàng hóa tập trung còn được tập huấn kỹ thuật canh tác, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm.
Đến nay, tỉnh Hải Dương đã hình thành được gần 500 vùng sản xuất hàng hóa tập trung; trong đó, gần 300 vùng sản xuất lúa có quy mô từ 30 ha trở lên, nhiều vùng canh tác hoa màu, cây ăn quả quy mô lớn như: Vùng rau (ở Gia Lộc, Tứ Kỳ), cà rốt (Cẩm Giàng, Nam Sách), hành, tỏi (Kinh Môn, Nam Sách)... Theo bà Hoàng Thị Loan, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều.
“Chúng tôi đã thực hiện được các vùng quy hoạch sản xuất tập trung, cho năng suất cao. Đặc biệt, huyện Cẩm Giàng có vùng sản xuất cà rốt tập trung, có những vùng quy mô lớn từ 50 ha trở lên. Huyện có 23.000 m2 diện tích nhà màng, nhà lưới sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: dưa lưới, cà chua, hoa lan... Diện mạo nông thôn Cẩm Giàng được thay đổi, thu nhập của nông dân tăng lên. Ví dụ năm 2020, ước thu nhập bình quân trên đầu người huyện Cẩm Giàng là 58,5 triệu đồng/người”, bà Hoàng Thị Loan nói.
Sau khi các vùng sản xuất hàng hóa tập trung được quy hoạch và phát triển, ngành nông nghiệp Hải Dương đang tiến tới định hình "bản đồ nông sản" của địa phương theo hướng đầu tư có trọng điểm nhằm đạt hiệu quả bứt phá. Tỉnh xác định 21 nông sản thế mạnh để tập trung phát triển. Hải Dương giờ đây không chỉ có vải thiều xuất khẩu mà còn nhiều nông sản khác của tỉnh, như: cà rốt, dưa leo, cà chua... cũng được sơ chế và xuất khẩu ra thế giới.
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất ngày càng được mở rộng tại Hải Dương. Năm 2020, tỉnh có trên 17.000 ha rau sản xuất theo quy trình GAP, 23 ha nhà màng, nhà lưới với hệ thống phục vụ sản xuất đồng bộ như: hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun sương, quạt thông gió… Trên các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, máy móc đã thay thế sức người từ khâu gieo hạt, cấy lúa, thu hoạch...
“Trong khâu cơ giới hóa, Hải Dương là tỉnh đi đầu các tỉnh phía Bắc đã thực hiện được khoảng 5, 6 năm nay. Hiện nay, Hải Dương đã hình thành được một số hợp tác xã dịch vụ hoạt động tốt, xây dựng được quy trình mạ khay, dịch vụ cấy trọn gói mang lại hiệu quả tốt, giảm chi phí, nâng cao năng suất chất lượng. Hiện nay, tốc độ mở rộng diện tích gieo cấy bằng máy của Hải Dương tương đối nhanh. Như năm nay, đạt gần 10%, gấp đôi năm ngoái. Đây là xu hướng rất đáng mừng”, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đánh giá.
Mặc dù đã đạt được hiệu quả bước đầu nhưng việc phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại Hải Dương vẫn chưa thực sự bền vững. Diện tích cấy lúa bằng máy của tỉnh còn thấp, chỉ đạt 10% diện tích gieo cấy. Về chăn nuôi, Hải Dương cũng chưa có nhiều trang trại, vùng nuôi trồng thủy sản quy mô lớn.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ Nông nghiệp xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng cho rằng, đẩy mạnh tích tụ ruộng đất và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn là chìa khóa của phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung.
“Để thay đổi nền nông nghiệp, thay đổi cơ cấu cây trồng, để nhân dân phát triển hơn nữa, theo tôi phải tích tụ ruộng đất và tập trung ruộng đất nhiều hơn nữa. Mỗi hộ phải vài hecta trở lên trên 1 mảnh ruộng, 1 khu đồng thì mới thuận lợi trong phát triển sản xuất, giảm chi phí, đưa giống mới... thúc đẩy sản xuất phát triển. Thứ hai, phải quan tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học tiến bộ vào sản xuất, đưa giống mới vào sản xuất, có xuất khẩu thì mới tăng thu nhập”, ông Nguyễn Đức Thuận nêu ý kiến.
Phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là nhiệm vụ kinh tế hàng đầu mà tỉnh Hải Dương đặt ra trong thời gian tới. Để làm được điều này, ngành nông nghiệp của địa phương cần tiếp tục và đẩy mạnh hơn nữa sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, thu hút các doanh nghiệp đầu tư để hình thành các liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ và đẩy mạnh xuất khẩu./.