Đây là thông tin được đưa ra tại lễ ký kết giao thương về liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm chủ lực giữa giữa doanh nghiệp thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Giang năm 2016.

dn_1_zizc.jpg
Doanh nghiệp Hà Nội và Bắc Giang có cơ hội tìm hiểu sản phẩm và thị trường tiêu thụ.

Tỉnh Bắc Giang hiện có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực được thị trường trong và ngoài nước biết đến như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, bánh đa Kế, mì Chũ.... Trong khi đó, Hà Nội lại là thị trường tiêu thụ rộng lớn. Do đó, việc xây dựng chuỗi kết nối, tiêu thụ sản phẩm là hết sức cần thiết, nhằm thúc đẩy hai địa phương tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đưa các sản phẩm chủ lực vào chuỗi siêu thị, chợ truyền thống.

Đến nay, các sản phẩm chủ lực của Bắc Giang đều đã có mặt tại các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, một số doanh nghiệp kết nối khai thác sản phẩm như Tổng Công ty thương mại Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế, thịt gia súc gia cầm với sản lượng bình quân 1,5 tấn/tháng, mì Chũ khoảng 0,5 tấn/tháng. Hệ thống siêu thị Co.opmart, Fivimart, Intimex, Big C... hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, gà đồi, mì Chũ.

Tại lễ ký kết lần này, khoảng 200 doanh nghiệp của Hà Nội và Bắc Giang có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu nhu cầu sản phẩm và tìm cho mình đối tác tiêu thụ. Ông Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp sản xuất Hồng Xuân, huyện Lục Ngạn cho biết, vải thiều là một trong những sản phẩm thế mạnh của địa phương, với khoảng 10.500 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Vì vậy, kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm là rất quan trọng.

“Hiện nay, khó khăn của các doanh nghiệp vẫn là tìm đầu ra cho sản phẩm. Bây giờ đang là đầu vụ vải thiều, ký kết như thế này giúp chúng tôi có cơ hội gặp gỡ khách hàng, tiềm năng mở rộng thị trường rất lớn, có thể kết nối với các doanh nghiệp để đưa vải vào siêu thị, chợ truyền thống và xuất khẩu.” – ông Dũng đánh giá.

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ hỗ trợ Bắc Giang một số địa điểm bán hàng với không gian diện tích phù hợp để trưng bày, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa phục vụ người dân thủ đô; tạo điều kiện cho một số xe dưới 5 tấn chở hàng nông sản Bắc Giang được lưu thông trên địa bàn thành phố vào những khung giờ thích hợp để kịp thời cung ứng hàng hóa tới các điểm bán hàng.

Thành phố Hà Nội cũng đề nghị tỉnh Bắc Giang cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm có chất lượng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Trước mắt, sẽ tổ chức chương trình “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội” từ 25/6-25/7, giới thiệu và kết nối với các doanh nghiệp uy tín, các nhà phân phối bán lẻ, các ban quản lý chợ để tăng cường tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị trong dài hạn.

Ông Đàm Tiến Thắng nhấn mạnh: “Lãnh đạo Hà Nội cũng như lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đặc biệt lưu ý tới vấn đề tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang, đáp ứng các yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của thủ đô. Hà Nội cam kết sẽ có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Hà Nội, những sản phẩm đặc trưng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng của Bắc Giang. Liên kết giữa doanh nghiệp của Hà Nội và doanh nghiệp Bắc Giang là sự liên kết giữa sản xuất phân phối và tiêu dùng, để làm sao đó sẽ tạo ra sự thông suốt giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng.” ./.