Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Sở Công Thương thường xuyên rà soát, dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình dịch bệnh, nhu cầu tiêu dùng, khả năng cung ứng hàng hóa để thành phố chỉ đạo các sở, ngành, các quận, huyện triển khai các nhiệm vụ bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu phục vụ nhân dân. Các doanh nghiệp phân phối, siêu thị, đơn vị kinh doanh tăng cường khai thác, dự trữ hàng hóa thiết yếu, bố trí đầy đủ phương tiện, nhân lực sẵn sàng vận chuyển hàng hóa đến các điểm bán lẻ.

Chính quyền thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải xây dựng phương án tổ chức “luồng xanh” trong nội thành cho phương tiện chở hàng hóa, thực phẩm thiết yếu từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội để kịp thời đến các kho hàng điểm bán lẻ và từ các tỉnh, thành phố lưu thông qua địa bàn Hà Nội…

Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, đảm bảo các quy định phòng, chống dịch trong thời gian giãn cách xã hội, Sở Công Thương Hà Nội vừa công bố 7.866 điểm bán hàng tiêu dùng thiết yếu trên địa bàn thành phố và 455 chợ khắp các quận, huyện. Thời gian hoạt động các điểm cung ứng này chủ yếu từ 6 đến 22 giờ hàng ngày. Ngoài ra, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi còn thực hiện giao hàng trực tuyến.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp phân phối hàng hóa trên địa bàn thành phố đã tăng mức dự trữ lên từ 3 đến 5 lần. Theo đó, lượng hàng hóa chuẩn bị trên địa bàn trong 3 tháng khoảng 194.000 tỷ đồng, với 17 nhóm hàng thiết yếu. Sở Công thương cũng triển khai chương trình bình ổn thị trường với lượng hàng hóa ước tính gần 6.000 tỷ đồng./.