Theo công bố của Chính phủ về gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, ước tính sẽ có gần 20 triệu đối tượng chính sách và người lao động được thụ hưởng từ gói hỗ trợ này.
Dự kiến quy mô của gói hỗ trợ này sẽ vào khoảng 61.580 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 35.880 tỷ đồng. Với gói hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất ưu tiên chăm lo cho người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội, người yếu thế, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương, hộ kinh doanh cá thể nhỏ, lao động mất việc làm… với mức hỗ trợ bằng tiền mặt trong 3 tháng (tháng 4, 5,6).
Theo đó, hỗ trợ 500.000 đồng/tháng cho người có công với cách mạng; Đối tượng bảo trợ xã hội nhận hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng. Người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động, mất việc làm; Hỗ trợ doanh nghiệp vay lãi suất 0 %.
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung. |
Trước thông tin này, nhiều người lao động, hộ kinh doanh nhỏ lẻ bày tỏ sự vui mừng trước sự quan tâm của Nhà nước tới từng người dân. Chị Nguyễn Thu Hương, kinh doanh quán ăn ở quận Thanh Xuân và chị Phạm Thị Thu, ở huyện Hoài Đức, đối tượng thuộc hộ nghèo chia sẻ:
“Được như thế dân cũng yên lòng để chống dịch. Bây giờ ở nhà 10 - 15 ngày không kinh doanh, không có nguồn thu nhập, trong khi đó kiếm tiền ngày nào tiêu ngày đó nếu không bán hàng sẽ không có tiền sinh hoạt. Không có tiền sẽ phải ra ngoài bán hàng nên Nhà nước, Chính phủ hỗ trợ cho người dân như thế này là rất kịp thời”
“Dịch thế này phải nghỉ ở nhà chẳng kiếm ra đồng nào. Tôi có 2 cháu đều đi làm nhưng nay cả hai đứa đều phải nghỉ làm. Cháu lớn làm ở khách sạn nhưng khách sạn cũng phải đóng cửa cả tháng phải nghỉ không lương, Công ty cháu làm cũng khả năng bị phá sản, sau chắc không có việc mà làm. Nếu Chính phủ hỗ trợ thế thì tốt quá, ít nhiều cũng đỡ được phần nào, ở nhà vẫn phải tiêu tiền nhưng kiếm ra”.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để sử dụng gói hỗ trợ hiệu quả, đúng đối tượng, hạn chế tối đa khả năng tiêu cực có thể xảy ra, cần phát huy trách nhiệm tối đa của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là chính quyền địa phương các cấp trong công tác rà soát đối tượng, các cơ quan chức năng sẽ theo dõi, giám sát quá trình thực hiện hỗ trợ.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ giao các cơ quan thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh, đảm bảo quyền lợi cho người dân, người lao động.
“Bộ đã có nhiều giải pháp thuộc thẩm quyền và đã hướng dẫn cho các cơ quan, đơn vị để triển khai, nhất là chính sách liên quan đến tạm đóng, tạm dừng, chính sách bảo hiểm thất nghiệp…Đồng thời, Bộ đề xuất với Thủ tướng những giải pháp, làm việc trực tiếp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng. Việc này cần phải xử lý rất khéo nhưng mà phải có chính sách hỗ trợ kịp thời”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định.
Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên đã có tới 153.000 người mất việc hoặc xin nộp hồ sơ xin hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Hàng triệu lao động ngừng việc trong các ngành như dệt may, da giày, du lịch vận tải, lưu trú, ăn uống…Dự kiến có thêm hàng trăm nghìn lao động mất việc làm làm tuỳ thuộc vào mức độ bùng phát của dịch bệnh./.