Bên cạnh đó, Luật Đất đai cũng chưa cho phép các doanh nghiệp tư nhân đi thuê lại quyền thuê đất trả tiền hàng năm của nhà nước, rồi dùng quyền thuê thứ cấp làm tài sản đảm bảo để vay vốn phục vụ sản xuất. Nhiều kiến nghị mong được cân nhắc bổ sung trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) để doanh nghiệp, nông dân tận dụng hiệu quả mọi nguồn lực, mở rộng quy mô sản xuất trong thời gian tới.
Vướng quy định, sản xuất quy mô lớn gặp khó
Theo ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty GC Food, thời gian qua, những doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao ở nước ta đa phần hoạt động manh mún nhỏ lẻ. Nhiều doanh nghiệp tư nhân hoạt động có hiệu quả, muốn mở rộng quy mô sản xuất, cần quỹ đất lớn 300 ha trở lên để đủ diện tích canh tác, tạo ra sản lượng hàng hóa ổn định đủ để ký kết với các doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng đa số rất khó để tiếp cận quỹ đất như vậy, bởi hiện nay quyền sở hữu thường là những doanh nghiệp nhà nước.
Chính vì vậy doanh nghiệp buộc phải thuê lại đất, và do vướng nhiều quy định pháp luật nên việc hợp tác cũng lắm nhiêu khê. Điều 175 Luật đất đai năm 2013 quy định, hầu hết những công ty sở hữu vài ngàn hoặc vài trăm ha đang thuê đất trả tiền hàng năm và doanh nghiệp đó không được quyền cho thuê lại. Có trường hợp dù đất để trống, doanh nghiệp tư nhân đủ điều kiện tiếp cận thì gặp rất nhiều rào cản về thủ tục. Vấn đề này cần được thảo luận, lấy ý kiến để sửa đổi cho phù hợp với thực tế.
Ông Nguyễn Văn Thứ cũng cho rằng, Luật Đất đai năm 2013 quy định 2 loại hạn mức được áp dụng đối với đất nông nghiệp bao gồm: Hạn mức giao đất nông nghiệp (quy định tại Điều 129); Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp (quy định tại Điều 130) khống chế hộ gia đình không được sử dụng không quá 20 ha đất. Thực tế điều này đang cản trở sự phát triển kinh tế nông nghiệp:
"Quy định này cũng là điều tốt, nhưng việc sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp đại trà lại chính là rào cản rất lớn. Một gia đình không thể nào có 1-2 ha đất mà đi sắm máy móc thiết bị hiện đại hàng tỷ đồng để khai thác 1-2 ha đất, nhiều khi tiền trang thiết bị nó cao hơn rất nhiều so với tiền lô đất hay giá trị mang lại trên lô đất đó, dẫn đến người dân không dám đầu tư. Đó cũng là những cản trở ngành nông nghiệp phát triển" - ông Thư bày tỏ.
Thêm một vướng mắc mà đa số doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao đang gặp phải, đó là công cụ đòn bẩy tài chính thông qua việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng. Doanh nghiệp nào cũng cần vốn, nhưng khi tìm được đất, thuê đất và được giao đất thì doanh nghiệp lại không thể dùng đất và tài sản hình thành trên đất vay thêm vốn từ ngân hàng để mở rộng quy mô sản xuất.
Dự thảo lần này có cho phép các doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm được thế chấp quyền thuê đất để vay vốn. Tuy nhiên, vấn đề doanh nghiệp tư nhân thuê lại đất đó rồi dùng quyền thuê thứ cấp làm tài sản đảm bảo để vay vốn phục vụ sản xuất thì chưa thấy bàn tới trong Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi).
Một số ý kiến phân tích, thực tế hiện nay đa số doanh nghiệp làm nông nghiệp hiệu quả đều là doanh nghiệp tư nhân, song tư liệu sản xuất quan trọng là đất đai diện tích lớn thì do doanh nghiệp có vốn nhà nước quản lý.
Về vấn đề này, ông Thái Như Hiệp, Chủ tịch Hội đồng thành viên – Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp cho rằng: cần giao đất cho đơn vị nào làm ăn hiệu quả, không kể là tư nhân hay nhà nước, nhằm huy động tối đa nguồn lực trong xã hội phục vụ phát triển kinh tế. Cụ thể, đất doanh nghiệp thuê cũng được cấp 50 năm, trong khi đó đất dân cũng được cấp 50 năm nhưng đất của dân thì được thế chấp, khế ước ngân hàng để vay vốn, còn doanh nghiệp sản xuất lớn thì “bó tay”. Đây là vấn đề rất khó khăn của các doanh nghiệp tư nhân muốn làm nông nghiệp công nghệ cao quy mô lớn.
Ông Thái Như Hiệp cho rằng: "Luật khi bổ sung, sửa mới thì các tỉnh có đất nông nghiệp, sở hữu đất đai nên khi cấp đất cho doanh nghiệp thì nên cho họ quyền sở hữu đất đai đó để tận dụng đất đai đúng luật pháp. Khi hợp thức hóa việc vay vốn ngân hàng hỗ trợ thì doanh nghiệp họ mới sản xuất một cách bền vững".
Tháo gỡ điểm nghẽn cần phù hợp với cơ chế thị trường
Theo một số chuyên gia, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao, dự thảo Luật Đất đai năm 2013 (sửa đổi) nên đồng bộ hóa thể chế, pháp luật về đất đai, bảo đảm nguyên tắc đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Việc cấp đất, giao đất, cho thuê đất, tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cần sát tình hình thực tiễn, phù hợp với từng địa phương để khắc phục tình trạng giữ đất rồi bỏ hoang, trong khi doanh nghiệp thiếu đất sản xuất thì không thể tiếp cận.
Về điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai 2013 (sửa đổi) có thể khắc phục hạn chế đối với sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, Thạc sĩ – Luật gia Hồ Minh Sơn – Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường và Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho biết, dự thảo lần này đã đưa ra hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp không quá 15 lần (tăng 5 lần so với Luật Đất đai hiện hành).
Đồng thời bổ sung cơ chế về góp vốn bằng quyền sử dụng đất, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân liên kết để gia tăng diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Một điểm mới nữa là mở rộng các đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp, không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa.
Thạc sĩ – Luật gia Hồ Minh Sơn nhận định, việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế trong lĩnh vực đất đai phải phù hợp với cơ chế thị trường, như vấn đề hạn điền, giá đất, tránh tình trạng lợi dụng chính sách, dẫn tới tiêu cực.
"Về hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp tăng 15 lần mà Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra, theo tôi đây là vấn đề lớn, cần đánh giá kỹ các tác động của quy định này, vì khi tăng mức chuyển nhượng quá cao, nguy cơ người nông dân sẽ không có đất để sản xuất, gây hệ quả lâu dài cho xã hội" - Thạc sĩ – Luật gia Hồ Minh Sơn cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Luật Đất đai sửa mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân được quyền thuê lại đất để làm nông nghiệp, hay thuê đất trả tiền hàng năm được quyền thế chấp quyền thuê đất của mình để huy động vốn, thì đó là một tín hiệu rất tích cực có thể giúp tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay trong phát triển sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mà Đảng và Nhà nước đã định hướng. Quan trọng là quy định cụ thể, rõ ràng để doanh nghiệp, người dân thực hiện đúng pháp luật./.