Chính phủ vừa gửi tới các đại biểu Quốc hội báo cáo về việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công và việc thực hiện các dự án, công trình quan trọng quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội quan trọng khác sử dụng vốn vay của Chính phủ.

Nhật Bản vẫn là chủ nợ lớn nhất

Theo báo cáo, trong 3 năm 2010-2012, Chính phủ đã huy động được tổng khối lượng vốn vay khoảng 690.910 tỷ đồng trong đó năm 2010 là 208.957 tỷ đồng; năm 2011 là 207.088 tỷ đồng; năm 2012 ước khoảng 264.865 tỷ đồng (trong số này, phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước 288.739 tỷ đồng; vay nước ngoài của Chính phủ 256.918 tỷ đồng; huy động từ các nguồn vốn nhàn rỗi trong nước là 165.253 tỷ đồng).

Các chỉ số về nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài của quốc gia tính đến 31/12/2012 tương ứng bằng 55,4%; 43,1% và 42,0%, vẫn nằm trong giới hạn cho phép (nợ công dưới 65% GDP, nợ Chính phủ dưới 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia dưới 50% GDP).

Trong cơ cấu nợ công, các khoản nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 78%, nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 21% và nợ chính quyền địa phương chiếm 1,0% so với tổng số dư nợ công, phù hợp với định hướng Chiến lược quản lý nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Về cơ cấu các chủ nợ, các nhà đầu tư trái phiếu Chính phủ trong nước chiếm 28%. Trong số các chủ nợ nước ngoài, Nhật Bản vẫn là chủ nợ lớn nhất, chiếm 17%, Ngân hàng Thế giới chiếm 13%, Ngân hàng Phát triển Châu Á chiếm 8%, các chủ nợ khác chiếm 34%. Cơ cấu các khoản nợ công của Việt Nam chủ yếu vẫn được huy động từ các khoản vay thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước, vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài từ các nhà tài trợ.

Báo cáo cũng nêu rõ, cơ cấu huy động vốn vay trong nước và nước ngoài của Chính phủ đã có sự thay đổi theo hướng giảm tỷ trọng nợ nước ngoài tăng tỷ trọng trong nước. Đến cuối năm 2009, nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm 56% và nợ trong nước chiếm 44% tổng dư nợ của Chính phủ, trong đó chủ yếu là trái phiếu Chính phủ. Đây cũng chính là xu hướng chuyển đổi cơ cấu vay nợ nước ngoài của Chính phủ sang vay nợ trong nước của các nước đang phát triển, nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào nợ nước ngoài của quốc gia.

Ngoài ra, trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng dư nợ của NSĐP năm 2010 là 6.776 tỷ đồng; năm 2011 là 10.699 tỷ đồng; năm 2012 là 23.935 tỷ đồng.

Dư nợ trái phiếu chính phủ trong nước tăng cao

Thông qua các hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ và công trái xây dựng tổ quốc với cơ chế thích hợp, từ năm 1991 đến cuối năm 2010, KBNN đã huy động được trên 400.000 tỷ đồng, để bù đắp thiếu hụt NSNN và đầu tư cho các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục.

Tình hình huy động vốn trái phiếu Chính phủ trong nước cho thấy mức tăng trưởng hàng năm đối với dư nợ trái phiếu Chính phủ trong nước cao. Năm 2005 là 6,2% GDP, bằng 2,97 lần so với năm 2001; năm 2010 ước 19,5% GDP, bằng 2,29 lần so với năm 2005. Bên cạnh đó thị trường vốn trong nước chưa phát triển và những khó khăn nội tại của nền kinh tế trong nước nên cơ cấu kỳ hạn huy động vốn trái phiếu Chính phủ trong nước đã được tập trung vào các khoản vay có kỳ hạn ngắn nên cũng phần nào gây áp lực gia tăng nghĩa vụ trả nợ của ngân sách nhà nước.

Tính đến năm 2001, Việt Nam hầu như không còn nợ quá hạn đối với các chủ nợ nước ngoài. Có được kết quả đó là do Chính phủ đã đề ra các giải pháp linh hoạt cơ cấu lại các khoản nợ quá hạn trước đây. Việc xử lý nợ quá hạn các khoản nợ cũ thông qua CLB Paris, London..., là một thành công lớn, giảm số nợ nước ngoài từ mức rất cao trở về giới hạn an toàn (đưa tỷ lệ tổng số nợ nước ngoài từ mức gần 150% so với GDP năm 1993 xuống còn 34,4% vào cuối năm 2009; Nghĩa vụ trả nợ tương ứng từ mức 195,8% xuống còn khoảng 4,3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu), đồng thời làm giảm đáng kể nghĩa vụ trả nợ của Việt Nam, tạo điều kiện khai thông quan hệ tài chính-tín dụng với các tổ chức quốc tế và các Chính phủ nước ngoài.

Năm 2001 dư nợ ở mức 1,4% GDP, năm 2005 ở mức 4,2% GDP, năm 2009 ở mức 7,9% GDP. Việc bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay khuyến khích phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên sự gia tăng nhanh chóng đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh sẽ làm tăng nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước.

Về tình hình sử dụng vốn vay, sử dụng cho bù đắp bội chi NSNN từ nguồn vốn vay trong nước và nước ngoài là 360.891 tỷ đồng, chiếm 53,8% tổng số vốn huy động của Chính phủ. Trong đó, vay trong nước là 267.967 tỷ đồng, chiếm 74,3% và vay nước ngoài là 92.924 tỷ đồng, chiếm 25,7% so với tổng số vốn vay bù đắp bội chi trong giai đoạn này.

Sử dụng cho đầu tư các công trình, dự án giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế… theo các Nghị quyết của Quốc hội từ nguồn vay phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước là 146.000 tỷ đồng, chiếm 21,8% tổng số vốn huy động của Chính phủ. Trong đó, năm 2010 là 56.000 tỷ đồng; năm 2011 là 45.000 tỷ động và năm 2012 là 45.000 tỷ đồng.

Huy động các khoản vay nước ngoài của Chính phủ để cho vay lại, hỗ trợ vốn cho các chương trình mục tiêu quốc gia là 163.993 tỷ đồng, chiếm 24,4% tổng số vốn huy động của Chính phủ. Nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại tập trung vào một số ngành, lĩnh vực chính là điện, dầu khí, công nghiệp và phát triển hạ tầng đô thị.

Báo cáo đánh giá, chỉ tiêu về trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước luôn nằm trong giới hạn an toàn, dưới 25% tổng thu NSNN./.