Trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Nhà nước ta đã chủ động ban hành hàng loạt chính sách nhằm ngăn chặn suy giảm và kích thích kinh tế, như: Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP; Quyết định 131/QĐ-TTg; Quyết định số 16/2009/QĐ-TTg; Quyết định 443/QĐ-TTg; Gói chính sách ngăn chặn suy giảm và kích thích kinh tế của Việt Nam thực hiện trên tổng thể 3 nhóm biện pháp kích cầu: Nhóm biện pháp kích thích tiêu dùng nội địa; Nhóm biện pháp kích thích đầu tư của DN; Nhóm biện pháp kích thích thông qua đầu tư công.

Tuy nhiên, việc thực hiện gói kích cầu sao cho có hiệu quả và đúng mục đích đang là vấn đề thu hút sự chú ý quan tâm của đông đảo người dân cả nước. Bên lề kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XII, phóng viên VOVNews ghi lại cuộc phỏng vấn với ông Trần Du Lịch, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh vấn đề này.

PV:  Điều gì khiến ông quan tâm nhất trong gói kích cầu của Chính phủ nhằm đối phó với sự suy giảm kinh tế?

Ông Trần Du Lịch:  Tôi đặc biệt lưu ý tới gói kích cầu của Chính phủ đưa ra nhằm ngăn chặn sự suy giảm kinh tế có đề cập đến kích cầu đầu tư và  kích cầu tiêu dùng với số tiền lên tới 143.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong tờ trình về điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, bội chi ngân sách Nhà nước, phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ và miễn, giảm, giãn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) có đề cập đến bổ sung thêm 20.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ. Theo tôi, việc bổ sung này chính là bù đắp cho ngân sách thiếu hụt, chứ chưa phải là số tiền tăng thêm.

ong-Tran-Du-Lich.jpg

Ông Trần Du Lịch

Ngoài ra, theo tôi, khoản ứng trước dự toán cho năm 2010 là 37.000 tỷ đồng có thể nằm trong ngân sách dự toán 112.000 tỷ đồng chi đầu tư phát triển kinh tế-xã hội mà Quốc hội đã thông qua. Vì vậy, chúng ta cần làm rõ 143.000 tỷ đồng có phải là khoản tiền riêng dành cho việc kích cầu trong năm 2009, còn phần nào là khoản tiền riêng để bù đắp cho thiếu hụt ngân sách đã dự trù trong kế hoạch chi đầu tư phát triển mà Quốc hội đã thông qua.

PV: Trong thời lạm phát như hiện nay, các đại biểu khó có thể giám sát được những khoản tiền dùng để kích cầu được sử dụng đúng mục đích hay không. Ý kiến của ông về vấn đề này như nào?

Ông Trần Du Lịch: Theo tôi, các cơ quan của Chính phủ phải có trách nhiệm trước Quốc hội trong việc giám sát, kiểm tra quá trình thực hiện gói kích cầu sử dụng có đúng mục đích và hiệu quả ở những địa phương thông qua các dự án. Tuy nhiên, đối với những dự án đặc biệt, quy mô lớn thực hiện ở từng địa phương, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát ở những mức độ khác nhau.

PV: Theo ông, bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 5 năm tới sẽ như thế nào?

Ông Trần Du Lịch: Trong báo cáo thẩm định của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội có ghi rõ: Đề nghị Chính phủ nghiên cứu một kế hoạch trung hạn cho tái cấu trúc kinh tế Việt Nam. Trong đó có tính đến giải pháp cho kinh tế giai đoạn 2009-2010 và giai đoạn hậu khủng hoảng kinh tế. Còn riêng về mục tiêu hướng tới tốc độ tăng trưởng GDP là 6,5% trong năm nay, theo tôi khó có thể đạt được. Vì vậy, chúng ta phải có kế hoạch kinh tế cho năm 2010 để cân bằng lại vấn đề bội chi nhằm giữ an toàn cho ngân sách quốc gia.

PV: Ông nhận định như thế nào khi nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phải xiết chặt lại vấn đề bội chi?

Ông Trần Du Lịch: Theo báo cáo tóm tắt Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2007, khoản bội chi tăng là do nguồn thu ngân sách giảm, chứ không phải là tăng chi quá nhiều. Vì vậy, để giám sát khoản bội chi thì chúng ta cần phải kiểm soát chặt chẽ ngân sách tạm ứng như cho vay ưu đãi. Nếu không thực hiện tốt vấn đề này thì nguy cơ tái lạm phát sẽ lại diễn ra.

PV: Xin cảm ơn ông!./.