Các doanh nghiệp sẽ được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn 0,5%/năm so với hiện nay. Đây là một tin vui với nhiều doanh nghiệp khi có khoảng 5 ngân hàng cam kết giảm lãi suất trong tháng 1/2018 này, ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị Tổng kết ngành ngân hàng mới đây.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất mới tập trung ở một số ngân hàng lớn. Do đó, cần có sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước để các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ cùng vào cuộc giảm lãi suất. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu để có thêm cơ hội giảm lãi suất.

Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) là một trong những ngân hàng đầu tiên thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. Theo đó, từ ngày 10/1, những khách hàng là đối tượng ưu tiên có tình hình tài chính minh bạch, lành mạnh sẽ được Agribank giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 6,5%/năm xuống còn tối đa 6,0%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8%/năm xuống còn từ 7,5%/năm.

debt90440848pm_xizh.jpg
Các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ vẫn khá dè dặt trong việc cắt giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)
Đến ngày 15/1 tới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng sẽ đưa ra mức giảm tương tự. Các ngân hàng khác như Vietinbank, BIDV, VP bank cũng cam kết giảm lãi suất trong tháng 1. Mức lãi suất ưu đãi này sẽ dành cho những doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên, bao gồm: Sản xuất nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết, ngân hàng sẽ tiếp tục để xem xét hạ khoảng 0,5% hoặc hơn đối với  những khoản cho vay và các khách hàng vay vốn trong lĩnh vực mà Chính phủ đang  ưu tiên khuyến khích phát triển, tăng trưởng.

Thông tin một số ngân hàng giảm lãi suất cho vay ngay từ những ngày đầu năm mới là một tin vui với nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp chuẩn bị bắt tay vào những dự án, hợp đồng sản xuất, kinh doanh mới. Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp cận được nguồn vốn rẻ đó mới là vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội cho rằng, mức lãi suất hiện nay khoảng 6% là hợp lý nhưng đa phần mới giảm ở nhiều ngân hàng cổ phần, vốn của Nhà nước ở đó lớn.

“Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ vừa vừa vẫn khó tiếp cận nguồn vốn vì phải phụ thuộc nhiều vào phương án sản xuất kinh doanh mà doanh nghiệp nhỏ thì quy mô đầu tư nhỏ. Lãi suất 6% thường dành cho doanh nghiệp quy mô lớn, số tiền vay lớn, như vậy thì số lượng doanh nghiệp nhỏ tiếp cận được thì còn hạn chế, khó khăn”, ông Mạc Quốc Anh lưu ý.

Cần “lực đẩy” để giảm mạnh lãi suất

Thực tế, đến thời điểm này mới có một số ngân hàng cam kết giảm lãi suất cho vay. Còn lại các ngân hàng thương mại vừa và nhỏ vẫn khá dè dặt trong việc cắt giảm lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp.

Nguyên nhân là việc thu hồi vốn từ nợ xấu tại chỉ mới giảm áp lực huy động vốn, bổ sung thanh khoản mà chưa đủ lực làm cho lãi suất đầu vào đi xuống, kéo lãi suất cho vay giảm theo. Một số ngân hàng huy động vốn với lãi suất cao, cho vay với lãi suất hợp lý để bảo đảm hòa vốn nên  mặt bằng lãi suất cho vay rất khó đi xuống.

Bà Nguyễn Thị Mùi, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh này rất cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt. Chẳng hạn năm 2017, Ngân hàng Nhà nước giảm 0,25% lãi suất điều hành, giúp các ngân hàng thương mại có nguồn vốn đầu vào rẻ hơn. Năm nay, nếu mạnh dạn giảm 0,5 – 0,75% thì các ngân hàng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn giá rẻ qua thị trường mở, từ đó có điều kiện để giảm lãi suất cho vay.

Nhìn nhận về cơ hội giảm lãi suất cho vay trong năm 2018, nhiều chuyên gia cho rằng khó có thểm giảm sâu hơn. Lý do là mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 thấp hơn năm trước, nhưng so với thế giới đó là mức cao. Nhu cầu tín dụng vẫn còn lớn nên năm nay, lãi suất có thể sẽ ổn định hoặc chỉ giảm nhẹ, trong khi đó, mục tiêu năm nay tín dụng tăng 17%.

Mới đây, Thông tư 19 ban hành cho phép các ngân hàng năm nay dùng 45% vốn ngắn hạn vay trung, dài hạn. Như vậy nhu cầu huy động vốn trung dài hạn còn lớn. Đặc biệt, nợ xấu vẫn là gánh nặng khiến lãi suất khó giảm mạnh.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, nợ xấu theo Nghị quyết 42 đã được xử lý mạnh mẽ nhưng vẫn cần có độ trễ, nên vẫn là gánh nặng cần ưu tiên tập trung xử lý trong thời gian tới. Hy vọng các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí và đẩy mạnh xử lý nợ xấu để có điều kiện giảm lãi suất.

“Nếu Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ qua công cụ khác là bơm vốn, tái cấp vốn qua thị trường mở cũng sẽ là kênh để hỗ trợ tổ chức tín dụng giảm lãi suất, việc này nên làm sớm ngay từ đầu năm”, TS. Cấn Văn Lực khuyến cáo.

Hiện, vốn của nền kinh tế phần lớn phụ thuộc ngân hàng. Tổng tài sản hệ thống ngân hàng chiếm đến 72% quy mô toàn bộ hệ thống tài chính. Bởi vậy, bất kỳ động thái tăng giảm lãi suất cho vay cũng đều tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp là việc làm cần thiết, song cùng với đó cần hướng dòng vốn đó đi vào đúng đối tượng, đúng mục tiêu khuyến khích mới là điều quan trọng để góp phần vào tăng trưởng, phát triển bền vững./.