Những tin nhắn giảm giá căn hộ 20, 30, 40 thậm chí 50% thời gian gần đây liên tục quấy rầy các khách hàng sử dụng điện thoại di động. Có vẻ không chỉ nhà đầu tư mà các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) trung gian đều rất sốt ruột khi thị trường BĐS quá trầm lắng, cầu ít mà cung lại quá nhiều. Giải thích về việc giảm giá căn hộ tại dự án Sunrise city của Tập đoàn Novaland, từ mức 50 triệu đồng/m2 xuống 27 triệu đồng/m2, anh Nam, một nhân viên môi giới BĐS, cho biết: Doanh nghiệp giảm giá bán để kích thích người mua trong giai đoạn thị trường trầm lắng, chấp nhận mức lợi nhuận thấp hơn… Tuy nhiên căn hộ này phải đến tháng 9/2015 mới được giao, còn căn hộ giao ngay vẫn có giá 50 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, ở Hà Nội, nhân viên môi giới cho dự án chung cư cao cấp Discovery Complex cũng đang mời chào khách hàng mua căn hộ với giá giảm khoảng gần 10 triệu đồng/m2, tương đương mức giảm 20 - 25%. Anh Minh, một nhân viên sàn BĐS, cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ giảm giá cho khoảng 15% số căn hộ, đây là mức giá thấp nhất rồi, không thể giảm hơn nữa vì còn kèm gói thiết kế nội thất 5 - 6 triệu đồng/m2… Tất nhiên ở Hà Nội cũng có những chung cư hoặc đất nền có thể giảm tới 50% nhưng còn tùy thuộc vào vị trí”.
Nếu so sánh mức giảm giá căn hộ ở hai thị trường lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM thì rõ ràng mức giảm giá ở TP.HCM mạnh hơn ở Hà Nội và giảm mang tính thực chất hơn. Trong khi mức giảm giá căn hộ ở Hà Nội chỉ tới 30% là nhiều nhất, thì ở TP.HCM đã có 2 khu căn hộ giảm giá 50%, số giảm 20, 30, 40% ở TP.HCM cũng nhiều hơn so với Hà Nội. Vì sao vậy? Theo giải thích của ông Trịnh Huy Thục, chuyên gia về nhà ở và BĐS, nguyên Cục trưởng Cục Nhà và BĐS, Bộ Xây dựng, lý do chính là phương thức phát triển thị trường của hai thành phố này có sự khác nhau cơ bản: Hà Nội khó giảm giá nhà hơn vì chủ đầu tư giờ cũng chỉ là “chủ hờ” thôi, khi dự án được phê duyệt họ đã sang tay cho nhiều chủ nên chủ đầu tư làm gì còn có quyền hạ giá.
Còn theo quan điểm của TS Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Việc giảm giá với doanh nghiệp BĐS HN không có gì khó, nhưng vì họ không phải chịu sức ép lãi suất ngân hàng như các doanh nghiệp phía Nam nên họ chưa giảm giá. Nhà ở phía Bắc xây bằng tiền của những người góp vốn, còn ở phía Nam chủ yếu xây bằng vốn vay ngân hàng nên không thể không giảm giá.
Đây chính là điều khiến những người mua nhà ở Hà Nội thiệt thòi hơn rất nhiều so với người mua nhà ở TP.HCM. Vốn đã bỏ ra giờ đòi không được. Câu chuyện đòi lại vốn đã góp để mua nhà mà Báo VOV đã đề cập trước đây đang dần trở nên nóng bỏng, nếu các chủ đầu tư không đưa ra được giải pháp hợp lý.
Theo dự báo của các chuyên gia, cuộc đua giảm giá BĐS thực chất mới chỉ bắt đầu. Ngay cả giảm giá 50% như Novaland và Phát Đạt vừa làm cũng mới chỉ gần chạm giá thành, hoàn toàn đúng với thông tin mà Tập đoàn Hoàng Anh - Gia Lai đưa ra trước đó, rằng có giảm giá 50% thì doanh nghiệp vẫn có lãi. Tất nhiên, sẽ không có doanh nghiệp nào giảm giá những căn hộ đã hoàn thiện, vì vướng rất nhiều vấn đề như các khách hàng đã mua, các thủ tục đã ký kết… mà chỉ có thể giảm giá ở những căn hộ sẽ giao sau 1 - 2 năm nữa. Điều quan trọng là ai sẽ tiếp cận được với những BĐS giảm giá đó? Nếu không có một cơ chế thông tin minh bạch được kiểm soát chặt chẽ thì người mua nhà vẫn không thể mua được BĐS giảm giá, hoặc sẽ phải mua với mức giá chênh lệch rất cao, tới 200 - 300 triệu đồng/căn./.