Diễn biến kinh tế thế giới hiện nay cho thấy, nợ công chính là nguyên nhân và hậu quả của khủng hoảng, nhưng khắc phục như thế nào còn là vấn đề nan giải và lâu dài. Tại nhiều nước trên thế giới, việc tung ra các gói kích cầu để phục hồi tăng trưởng kinh tế đã làm cho gánh nặng nợ nần tăng cao, nhưng nền kinh tế vẫn chìm trong suy thoái, mà nguyên nhân là do tiền không đến được các doanh nghiệp, nhất là khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong những năm sau khủng hoảng, nguồn vốn huy động vào các ngân hàng tăng cao, nhưng tín dụng tăng thấp, nguyên nhân cơ bản là do nhu cầu vay vốn giảm mạnh và các ngân hàng đang đứng trước áp lực phải tăng dự trữ tiền mặt và kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn.

Tại Mỹ, nguồn vốn huy động năm 2012 tăng cao nhất kể từ năm 2008, trong khi tăng trưởng tín dụng đạt thấp mặc dù NHTW Mỹ duy trì lãi suất cơ bản gần bằng 0% để vực dậy nền kinh tế, tỉ trọng giữa cho vay so với nguồn vốn huy động giảm xuống 84% từ 87% vào cuối năm 2011 và 101% vào năm 2007.

Ngay tại các nước khu vực đồng euro, lo ngại về vòng xoáy khắc khổ và suy thoái vẫn tiềm tàng, do việc cắt giảm thâm hụt ngân sách đang nhấn chìm nhiều nền kinh tế và rất khó đáp ứng mục tiêu cân bằng ngân sách, tỉ lệ thất nghiệp ngày càng tăng. Mặc dù NHTW châu Âu đã bơm vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) tại các nước khu vực euro với lãi suất 0,75%/năm với hy vọng các ngân hàng sẽ tiếp tục cho các doanh nghiệp vay, nhưng tín dụng ngân hàng năm 2012 giảm 2% so năm trước do các doanh nghiệp phải bán bớt tài sản để giảm lỗ và thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh.

Để phục hồi tăng trưởng kinh tế và giảm tỉ lệ thất nghiệp, các nước đều thừa nhận, nút thắt cần giải quyết nằm ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, đây là mô hình kinh tế năng động nhất, có hiệu quả kinh tế cao và là đầu tàu trong việc tạo ra việc làm cho người lao động. Các doanh nghiệp thuộc loại này thường có qui mô nhỏ và khó kiểm soát, đa phần chỉ cần các món vay nhỏ với tài sản đảm bảo không chắc chắn. Vì thế, khu vực kinh tế này khó tiếp cận tín dụng ngân hàng, nếu vay được thì cũng thường phải chịu lãi suất cao hơn so với các doanh nghiệp lớn và khu vực kinh tế nhà nước.

Để tránh dẫn đến bong bóng tài sản, khi nới lỏng chính sách tiền tệ, các NHTW thường xác định khả năng hấp thụ các nguồn vốn đã cung cấp cho các NHTM, đặc biệt là khả năng mở rộng tín dụng đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, trong bối cảnh suy thoái kinh tế và nhu cầu tiêu dùng sụt giảm mạnh, cơ chế truyền tải tiền tệ dường như rất khó phát huy hiệu quả. Điều này đòi hỏi các NHTW phải tính đến phương án can thiệp hiệu quả hơn, đặc biệt là trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Từ trước đến nay, NHTW thường can thiệp bằng cách cho các NHTM vay với lãi suất thấp để cho vay thương mại và cầm cố với lãi suất ưu đãi. Đây là loại hình cho vay ẩn chứa rủi ro, khi các ngân hàng sử dụng tiền mặt để cho vay bừa bãi, không đến được những doanh nghiệp cần vốn.Nhiều NHTW thực hiện nới lỏng các qui định thế chấp đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng cũng khó mở rộng cho vay do rủi ro tín dụng lại bị đẩy sang các NHTM. Giải pháp hiệu quả hơn là, NHTW có thể tạo thanh khoản trên thị trường và khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân, hoặc trực tiếp mua các khoản tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đã được chứng khoán hóa. Tuy nhiên, chính sách này có thể chuyển giao rủi ro tín dụng sang bảng cân đối tài sản của NHTW, nên dường như các quan chức NHTW chỉ thực hiện một cách miễn cưỡng.

Trong bối cảnh hiện nay, NHTW có thể phối hợp cùng ngân hàng phát triển (hoặc ngân hàng đầu tư quốc gia) thực hiện cho vay đối với khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng phương thức này đòi hỏi phải thay đổi phương thức hoạt động của ngân hàng phát triển, xóa bỏ tình trạng quan liêu và cơ chế xin cho. NHTW có thể mua trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường sơ cấp và thứ cấp, qua đó sẽ tài trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, dường như các doanh nghiệp vừa và nhỏ không phát hành trái phiếu để bán lại cho NHTW do lo ngại phương thức này không khả thi. Mặc dù về lý thuyết và thực tiễn, phát hành trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp huy động được nguồn vốn giá rẻ và là một phương án hiệu quả. Thực tế cho thấy, ngoại trừ nền kinh tế Mỹ, còn lại tín dụng ngân hàng vẫn là kênh truyền vốn chủ yếu cho các doanh nghiệp. Giải pháp mới đang được nghiên cứu và áp dụng là, chính phủ có thể chia sẻ trách nhiệm như, thành lập và sử dụng linh hoạt các quĩ bình ổn thị trường theo hướng dành ưu tiên tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhìn chung, mỗi giải pháp đều vấp phải những vướng mắc nhất định, nên các NHTW có thể kết hợp các biện pháp và tăng cường các biện pháp can thiệp trực tiếp, như thế mới có hy vọng thúc đẩy nguồn vốn ngân hàng đến với các doanh nghiệp vừa và nhỏ./.