Trước đây, khi giá xăng, dầu nhích lên liên tục, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải đều đồng loạt điều chỉnh tăng giá cước, tăng giá hàng tiêu dùng... Gần đây, giá xăng, dầu giảm liên tục nhưng rơi vào thời điểm giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại và tiêu thụ hàng tiêu dùng thấp nên ít ai để ý xem tại sao giá cả không được điều chỉnh tương ứng với giá xăng. Nhưng đến thời điểm này, khi mọi hoạt động kinh doanh, sản xuất và đời sống đang dần trở lại ổn định, việc giá cước vận tải vẫn chưa được điều chỉnh giảm khiến hành khách sử dụng dịch vụ thấy bất hợp lý.

Đang mua vé xe về Quảng Ngãi tại Bến xe Miền Đông, ông Vũ Thiện Thuận (55 tuổi) cho biết, do bị bệnh nên ông thường xuyên vào TPHCM để khám chữa bệnh. Từ trước khi dịch xảy ra cho đến nay, giá vé tuyến Quảng Ngãi– TPHCM vẫn “đứng im”, mặc dù giá xăng dầu đã giảm gần một nửa so với trước.

vov_xe_khach_1.jpg
Nhu cầu đi lại giữa các tỉnh thành - TPHCM của người dân bắt đầu tăng trở lại nhưng nhiều doanh nghiệp chưa tính đến chuyện giảm giá cước vận tải

“Nay tôi về Quảng Ngãi, hầu như tháng nào tôi cũng đi, giá vé vẫn 540.000 đồng/lượt như cũ. Bây giờ không chấp nhận cũng không được vì kiểu gì cũng phải đi. Nếu các nhà xe giảm giá thì mình đỡ chi phí đi lại, còn không thì tăng giá cũng phải đi”, ông Thuận nói.

Do tâm lý lo ngại dịch bệnh, thời gian qua anh Lê Hoàng (ở quận Bình Thạnh) thường xuyên sử dụng dịch vụ giao hàng của các hãng xe ôm công nghệ để mua thức ăn. Anh Hoàng cũng ngạc nhiên khi giá xăng xuống thấp nhưng giá dịch vụ loại hình này không giảm, thậm chí còn nhích lên.

Theo lãnh đạo bến xe miền Đông và bến xe miền Tây, mỗi ngày có trên 1.000 xe khách đi các tỉnh xuất bến tại mỗi bến, đạt 60-70% công suất so với trước khi xảy ra dịch.

"Tôi rất e ngại khi ra ngoài đường, tôi thường xuyên sử dụng dịch vụ giao đồ ăn đến tận nhà. Cũng cùng một địa chỉ, trước đây phí dịch vụ chỉ 12.000 - 15.000 đồng nhưng nay tăng lên 17.000 – 20.000 đồng cùng một khung giờ như nhau", anh Lê Hoàng chia sẻ.

Theo khảo sát của phóng viên VOV, không chỉ giá cước vận tải hành khách liên tỉnh hay giá dịch vụ của các hãng xe ôm công nghệ “giậm chân tại chỗ” mà các hãng taxi cũng giữ nguyên giá cũ. Mặc dù, hiện nay các nhà xe đã được phép chạy 100% số chuyến, số ghế đăng ký.

Tại bến xe Miền Đông và bến xe Miền Tây, mỗi ngày có trên 1.000 xe xuất bến với 60% số ghế được lấp đầy. Tuy nhiên, các nhà xe đều giữ nguyên giá như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh, chưa có nhà xe nào đăng ký điều chỉnh giá.

Theo lãnh đạo bến xe miền Đông và bến xe miền Tây, mỗi ngày có trên 1.000 xe khách đi các tỉnh xuất bến tại mỗi bến, đạt 60-70% công suất so với trước khi xảy ra dịch.

Anh Hoàng Văn Nam, đại diện hãng xe khách Toàn Thắng chạy tuyến TPHCM – Bà Rịa Vũng Tàu cho rằng, giảm giá cước vận tải ở thời điểm này là chưa hợp lý vì lượng khách đi xe vẫn rất ít: “Giá xăng giảm cũng không hỗ trợ là bao, bởi vì lượng khách trước mùa dịch bên tôi mỗi ngày đạt 80 chuyến, bây giờ giảm xuống chỉ còn 30-40 chuyến mà chỉ có 40% lượng khách. Nên giá xăng giảm như vậy cũng không hỗ trợ gì mấy”.

Trả lời của nhà xe này là không thuyết phục khi mà dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến cả xã hội chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp vận tải. Việc giá xăng, dầu giảm, thậm chí giảm sâu, nhưng giá cước vận tải không thay đổi như hiện nay là bất hợp lý, khó có thể chấp nhận được./.