Trong tuần vừa qua, giá dầu thế giới giảm mạnh sau khi có công bố số liệu sản lượng công nghiệp Mỹ bất ngờ suy giảm và xuất khẩu khu vực châu Âu giảm mạnh nhất 5 tháng.

Trên sàn Nymex, giá dầu thô Mỹ giao tháng 3 giảm 1,5% xuống còn 95,86 USD/thùng. Trong tuần này, giá dầu tăng nhẹ 14 cent, tuần tăng thứ 9 trong 10 tuần.

Trên sàn ICE, giá dầu Brent giảm 0,3% xuống còn 117,66 USD/thùng. Trong tuần này, giá dầu Brent giảm 1%.

Giá dầu giảm trong tuần này khi số liệu cho thấy, sản lượng công nghiệp Mỹ bất ngờ suy giảm trong tháng 1 và xuất khẩu khu vực châu Âu tháng 12 giảm 1,8%. Giá dầu giảm sâu hơn theo đà giảm tại thị trường chứng khoán Mỹ khi báo cáo cho thấy, doanh số bán của Wal-Mart tuần đầu tháng 2 xuống thấp nhất 7 năm, chỉ ra người tiêu dùng Mỹ vẫn chưa sẵn sàng mở hầu bao.

Theo công bố của Nhật Bản, GDP quý 3 tài khóa của nước này giảm 0,1%, trong khi GDP của khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu giảm 0,6% trong quý cuối cùng của năm 2012.

Những số liệu kinh tế bất lợi trên đã dẫn tới những dự báo không mấy lạc quan về triển vọng tiêu thụ các mặt hàng năng lượng trong thời gian tới, khi mà trước đó nhiều tổ chức đã có dự báo không mấy sáng sủa về vấn đề này trong cả năm 2013.

Cũng trong phiên giao dịch cuối tuần, chỉ số USD, thước đo giá trị đồng bạc xanh so với rổ 6 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã tăng lên mức 80,488 điểm từ 80,336 điểm trong phiên 14/2 trước đó. Việc USD tăng giá đã làm tăng thêm sức ép giảm giá đối với mặt hàng năng lượng.

Chốt phiên giao dịch hôm 15/2, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 3 giảm mạnh tới 1,45 USD, tương ứng 1,5%, xuống còn 95,86 USD/thùng trên sàn hàng hóa New York. Tính chung cả tuần, dầu thô New York giảm 0,2%.

Trên sàn giao dịch London, giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc giao tháng 3 cũng suy giảm, nhưng nhẹ hơn, chỉ có 34 cent, tương ứng 0,3%, xuống còn 117,66 USD mỗi thùng. Do mức giảm không lớn, nên độ chênh lệch giá giữa dầu Brent và dầu New York vẫn khá lớn.

Diễn biến cùng chiều với thị trường dầu thô, giá dầu sưởi giao tháng 3 chốt phiên 15/2 ở mức 3,21 USD/gallon, giảm 1 cent, tương ứng 0,4%, nâng mức giảm cả tuần lên 0,9%. Khí tự nhiên giảm 1 cent, tương ứng 0,3%, xuống 3,15 USD/ triệu BTU, tính cả tuần giảm 3,6%.

Ở chiều ngược lại, giá xăng giao tháng 3 tại sàn New York tăng được gần 2 cent, tương ứng 0,6%, lên mức 3,135 USD mỗi gallon. Tính chung 5 ngày giao dịch vừa qua, giá xăng loại hợp đồng giao sau đã tăng tới 2,5%.

Vào giữa tuần qua, Bộ Lao động Mỹ công bố số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần giảm 27.000 người xuống còn 341.000 người. Mức giảm này vượt xa con số dự báo của giới phân tích. Điều này được xem là tín hiệu tích cực, báo hiệu khả năng tiêu thụ năng lượng tại Mỹ sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, những tác động tích cực từ bản báo cáo việc làm của Mỹ nhanh chóng bị lu mờ sau khi Pháp, Đức công bố số liệu GDP không đạt kỳ vọng. Điều này cho thấy nguy cơ nền kinh tế châu Âu bị rơi vào suy thoái đang bị khoét sâu hơn, gây ra những lo lắng về lượng tiêu thụ năng lượng ở châu lục này.

Thêm vào đó, việc đồng USD tăng giá mạnh, trong khi đồng Euro tiếp tục trượt dài, cũng gây thêm sức ép lên thành giá cả các mặt hàng được giao dịch bằng đồng bạc xanh của Mỹ, trong đó có các mặt hàng năng lượng.

Ngược dòng với xu thế chung, giá khí tự nhiên giao tháng 3 bất ngờ giảm mạnh tới 14 cent, tương ứng 4,3%, xuống còn 3,16 USD/ triệu BTU. Đây là mức giá chốt theo ngày thấp nhất kể từ ngày 9/1 của mặt hàng này./.