Tại Việt Nam, các thị trường đầu tư đang “tạm nghỉ” để người dân chuẩn bị đón Tết Đinh Dậu 2017. Tuy nhiên, trên thế giới, thị trường vàng, chứng khoán hay ngoại tệ vẫn diễn ra sôi động. Trong đó, gây chú ý nhất là kim loại quý với những biến động rất mạnh.
Giá vàng hôm nay 30 Tết "rơi tự do". |
Tiếp nối đà giảm của phiên hôm qua, giá vàng hôm nay 30 Tết (giờ Việt Nam) “rơi tự do” khiến nhà đầu tư sốc nặng. Có vẻ như, sau khi ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, kim loại quý gặp nhiều áp lực.
Tại thị trường Mỹ, trong phiên giao dịch ngày 26/1 (ngày 27/1 - 30 Tết Đinh Dậu theo giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay 30 Tết nối tiếp đà đi xuống. Đầu phiên, giá vàng thế giới chỉ giảm khoảng 8 USD/ounce nhưng càng về cuối phiên, giá vàng càng “rơi tự do”.
Cuối phiên, giá vàng giao tháng 2 giảm 11,2 USD/ounce xuống 1.189,5 USD/ounce. Trước đó, có thời điểm giá vàng rơi xuống dưới mốc 1.185 USD/ounce. Trong phiên, không có thời điểm nào giá vàng tìm lại mốc 1.200 USD/ounce. Như vậy, kim loại quý này đang rơi xuống “đáy” 2 tuần.
Nguyên nhân chính “nhấn chìm” thị trường kim loại quý trong suốt tuần này chính là thị trường chứng khoán toàn cầu bất ngờ “nóng hầm hập”. Bên cạnh đó, đồng USD mạnh lên cũng gây áp lực lên vàng và nhiều kim loại quý khác. Vàng không còn được nhà đầu tư coi là nơi trú ẩn an toàn nữa.
Tuần này, thị trường chứng khoán toàn cầu chứng kiến nhiều kỷ lục mới. Trong đó, đáng chú ý nhất là chứng khoán Mỹ khi chỉ số Dow Jones vượt mốc 20.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử trong phiên giao dịch hôm qua. Tới phiên 26/1, dù các chỉ số khác giảm điểm, Dow Jones vẫn duy trì đà đi lên.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang trong chuỗi tăng điểm kỷ lục nhờ dự đoán tân Tổng thống Donald Trump sẽ tung ra một loạt chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp như giảm thiểu luật lệ, cắt giảm thuế và tăng chi ngân sách.
Trong khi đó, đồng USD đã phục hồi trở lại sau khi rơi xuống “đáy” 6 tuần. Trong rổ 6 đồng tiền mạnh, giá USD tăng mạnh so với cả 5 đồng tiền còn lại. Trong đó, USD phục hồi mạnh nhất so với đồng Yên Nhật.
“Đồng USD bật tăng trong sáng nay, giao dịch được cải thiện. Đó là lý do tại sao giá vàng rơi xuống dưới mốc 1.200 USD/ounce” - Julius Baer, nhà phân tích tại Carsten Menke nhận xét.
Tuy nhiên, theo Julius Baer, áp lực của vàng có thể sẽ bớt đi vì USD khó có thể bứt phá hơn nữa. Julius Baer phân tích thêm: “Xét về tổng thống, đà tăng giá của đồng USD đang bị đình trệ. Chúng ta có thể sẽ chứng kiến một đợt đảo chiều”.
George Gero, Giám đốc điều hành tại RBC Wealth Management nhận xét vàng đang gặp “rắc rối” kéo trong tuần này. Ngoài việc bị ảnh hưởng bởi đồng USD và thị trường chứng khoán, vàng còn gặp áp lực trước nhu cầu sụt giảm,
Theo George Gero, nhu cầu vàng vật chất đang yếu đi ở một trong hai quốc gia tiêu dùng vàng lớn nhất thế giới là Ấn Độ đang giảm đi. Nhu cầu vàng không được duy trì ở mức cao do những bất ổn tại Euro zone sau khi Anh quyết định rời khỏi châu Âu.
Các nhà phân tích kỹ thuật cũng đang tỏ ra bi quan với vàng. Các kết quả phân tích kỹ thuật giá vàng cho thấy giá kim loại quý này sẽ còn giảm sâu hơn nữa chứ không dừng lại ở mức 1.185 USD/ounce – vùng giá thấp nhất trong phiên 26/1.
Cụ thể, theo phân tích kỹ thuật, giá vàng thế giới có thể rơi xuống mốc 1.160 USD/ounce, giảm khoảng 25 USD/ounce, tương ứng 2,1% so với thời điểm hiện tại.
Không chỉ sốc nặng với giá vàng, nhà đầu tư còn choáng váng với đà rơi của giá bạc. Giá bạc đã rơi xuống mức thấp nhất 2 tuần và đánh mất mốc 16,8 USD/ounce. Theo dự báo, giá vàng có thể giảm xuống mốc 16 USD/ounce. Trước đó, trong ngày 24/1 giá bạc vẫn tăng mạnh và đạt gần 17,3 USD/ounce.
Cùng chung số phận với vàng và bạc, giá đồng cũng giảm mạnh trên thị trường Mỹ. Có vẻ như nhà đầu tư thế giới phải chứng kiến nhiều đợt thua lỗ trong những ngày cuối cùng của tháng 1/2017./.