Nối dài mạch giảm giá

Chốt tuần này (từ 13-18/1), giá vàng SJC trong nước chỉ giảm nhẹ so với giá mở cửa phiên đầu tuần. Cụ thể, giá mua – bán khi mở cửa phiên giao dịch của tuần ở mức 35,22 - 35,28 triệu đồng/lượng, trong khi đó chốt cuối tuần 35,13 – 35,19 triệu đồng/lượng.

Sau một tuần, vàng SJC chỉ giảm 90.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua và bán. Đây cũng là tuần thứ hai liên tiếp của đầu năm 2014 này giá vàng tiếp tục không gây được nhiều chú ý cho giới đầu tư vì biên độ tăng, giảm cả tuần không có đột biến. Tính chung cả tuần, so với tuần trước, giá vàng lại tiếp tục mạch giảm giá, thị trường vẫn ảm đạm.

giang.jpg

Diễn biến giá vàng trong tuần (Nguồn: SJC)

Mặc dù giá vàng bán ra vẫn trụ được quanh mốc 35 triệu đồng/lượng, không bị rơi khỏi mốc này. Trong khi đó, giá mua vào đã có nhiều thời điểm bị rơi về mốc 34 triệu đồng/lượng. Song nhìn chung, so với tuần trước, chốt giá tuần này lại thấp hơn tới 60.000 đồng/lượng.

Chênh giá mua – bán vàng SJC trong tuần tiếp tục duy trì ở mức thấp, dao động từ 40.000-60.000 đồng/lượng.

Kiến nghị lập sở giao dịch vàng quốc gia

Trong tình trạng giá vàng không có sự khởi sắc trong hai tuần qua, nhưng trong tuần, thông tin liên quan đến quản lý thị trường cũng gây được ít nhiều chú ý của công luận. Đó là có kiến nghị Chính phủ cho thành lập sở giao dịch vàng quốc gia để điều tiết thị trường vàng, thay cho việc đấu thầu vàng như hiện nay.

Báo giới dẫn lời Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Nguyễn Thành Long nhận xét sản phẩm vàng trang sức Việt Nam hiện nay còn manh mún, gần như không có chỗ đứng trên thị trường quốc tế do thuế xuất khẩu quá cao, thậm chí bị lép vế ngay trên sân nhà do các sản phẩm ngoại có giá rẻ hơn và mẫu mã đẹp hơn. Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ yếu do cơ chế chính sách của nhà nước còn thiếu đồng bộ và chưa ưu tiên hỗ trợ ngành này.

Theo đơn vị này, tình trạng gian lận tuổi vàng và vàng trang sức nhập khẩu tràn vào thị trường trong nước ngày càng nghiêm trọng. Hơn nữa theo quy định hiện nay, các đơn vị tham gia đấu thầu vàng miếng phải đặt mua khối lượng tối thiểu từ 500 - 1.000 lượng trong khi các DN vừa và nhỏ có vốn lưu động ít, không đủ điều kiện để tham gia đấu thầu… Vì thế, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ cho thành lập sở giao dịch vàng quốc gia để điều tiết thị trường vàng thay cho việc đấu thầu vàng như hiện nay.

Giá trong tuần khả quan, nhưng tiếp tục có dự cảm xấu về giá cả năm

Cũng trong tuần, thị trường vàng thế giới tiếp tục không có được sự khởi sắc. Thậm chí còn có nhiều dự báo tiếp tục nhấn mạnh vào việc giá vàng sẽ sụt giảm mạnh trong năm 2014, nhất là về cuối năm.

Cụ thể, giá mở cửa tuần này của vàng thế giới là 1.252 USD/oz, còn chốt tuần ở mức 1.260 USD/oz, chỉ tăng nhẹ 8 USD cho cả tuần. Diễn biến trong cả tuần qua, giá vàng thế giới cũng không có đột biến, tuy có lúc giảm về mốc 1.240 USD/oz, còn lúc cao nhất cũng không vượt quá mốc 1.260 USD/oz. Tuy nhiên, chốt tuần này, giá vàng thế giới lại theo xu hướng tăng hơn so với tuần trước.

Mặc dù có tín hiệu này, nhưng trong dài hạn của cả năm, nhiều dự báo nêu ra trong tuần này lại dự cảm xấu về giá vàng.

Đáng chú ý hơn cả là Trưởng nhóm nghiên cứu hàng hóa Jeffrey Currie của Tập đoàn đầu tư tài chính và chứng khoán toàn cầu Goldman Sachs mới đây đưa ra nhận định về thị trường vàng trong năm 2014. Theo ông Currie, giá vàng trong năm nay không chỉ “hụt hơi” mà còn có thể lao dốc từ nay đến cuối năm.

Dự báo đến cuối năm nay, giá vàng chỉ còn 1.050 USD/oz, giảm 16% so với mức giá hiện tại là 1.251 USD/oz.

Chuyên gia đến từ Goldman Sachs vẫn giữ vững quan điểm về bức tranh ảm đạm của thị trường vàng năm nay. Ông Currie cho rằng, vàng vốn dĩ vẫn là một kênh đầu tư chống lạm phát hàng đầu và ông không nhận thấy có áp lực lạm phát mạnh trong vòng vài năm tới. Chỉ khi nào sự phục hồi của nền kinh tế trở nên mạnh mẽ hơn, mức lạm phát theo đó tăng lên, giá vàng mới có thể leo lên đỉnh như trước đây.

Ông nhận định đợt tăng giá vàng đầu năm nay sẽ chỉ là tạm thời và không kéo dài. Đối với một số mặt hàng khác như kim loại đồng hay ngũ cốc cũng sẽ tiếp tục ảm đạm.

Chênh giá vàng trong nước - quốc tế tiếp tục cao

Dù xét ở giá, cả giá vàng trong nước và quốc tế tuần này không có đột biến. Song,  mức chênh lệch giá vẫn tiếp tục neo ở mức cao. Cụ thể, phiên đầu tuần, vàng thế giới vẫn thấp hơn giá vàng SJC trong nước 3,49 triệu đồng/lượng. Đến chốt tuần, mức chênh này không có nhiều cải thiện khi vẫn neo ở giá 3,35 triệu đồng/lượng.

Như vậy, sau nhiều biến động về cách thức quản lý thị trường vàng trong nước suốt cả năm trời qua, nhiều giải pháp được đưa ra nhằm kéo giảm chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước, đến nay, mức chênh giá vàng vẫn ở mức cao, bất chấp nhiều cam kết của giới chức quản lý, và không giảm sâu chênh lệch như kỳ vọng của chuyên gia và đông đảo người dân. Thậm chí, mức chênh này vẫn tiếp tục đặt ra một dấu hỏi lớn về hiệu quả quản lý, điều tiết thị trường vàng trong nước hiện nay./.