Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mặt bằng giá cả thị trường nửa đầu năm 2019 biến động theo xu hướng tăng tương đối cao trong tháng diễn ra Tết Nguyên đán, giảm nhẹ trong tháng 3 và tăng trở lại trong hai tháng tiếp theo, sau đó giảm trở lại vào tháng 6. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm tương đối sát với dự báo đầu năm và nằm trong kịch bản CPI tăng thấp.
Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2019 diễn ra ngày 4/7 tại Hà Nội. |
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cho biết, ngay từ đầu năm đã đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho cả năm. Theo đó, trong kịch bản trung bình lạm phát năm nay sẽ ở mức 3%. Trong kịch bản thấp lạm phát sẽ ở mức 2,5%, còn trong kịch bản cao lạm phát sẽ vẫn thấp hơn mức 3,54% của năm 2018. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về lạm phát 6 tháng đầu năm 2019 có thể thấy rằng, nhiều khả năng lạm phát trong năm nay sẽ theo kịch bản thấp.
Ông Nguyễn Đức Độ phân tích, lạm phát trung bình 6 tháng đầu năm 2019 mới chỉ ở mức 2,64%, thấp hơn mức 3,29% của 6 tháng đầu năm 2018, bất chấp các đợt tăng sốc giá điện và giá xăng dầu vào tháng 3 và tháng 4. "Thậm chí, lạm phát so với cùng kỳ năm trước của tháng 6 còn giảm xuống mức 2,16%", ông Nguyễn Đức Độ nói.
Theo Cục Quản lý giá, nguyên nhân chủ yếu góp phần làm CPI 6 tháng đầu năm tăng thấp so với dự báo do giá lương thực giảm do nguồn cung trong nước dồi dào.
Nhu cầu nhập khẩu gạo trên thế giới giảm, giá thịt lợn giảm mạnh từ tháng 3 đến tháng 5 do chịu ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi. Giá dịch vụ y tế giảm 0,1% so với tháng 12 năm trước do điều chỉnh giảm giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ Bảo hiểm y tế tại một số địa phương theo Thông tư số 37/2018/TT - BYT; giá xăng dầu trong nước giảm trở lại từ nửa cuối tháng 5.
Ngoài ra, một số nguyên nhân giảm áp lực lên mặt bằng giá như đã dự báo trước gồm: giá dịch vụ viễn thông tiếp tục xu hướng giảm; các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ trong thực hiện các chỉ đạo.
Ở chiều ngược lại, Cục Quản lý giá nhận định, các nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong 6 tháng đầu năm 2019 do giá nhiên liệu, chất đốt trong nước tăng theo giá thế giới; trong đó, giá xăng dầu trong nước tăng 4 đợt trong tháng 3, 4 và 5.
Cùng với đó là tác động của việc điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như điện, sách giáo khoa; giá một số nhóm hàng tiêu dùng (thuộc nhóm thực phẩm, dịch vụ ăn uống, đồ uống, dịch vụ giao thông công cộng, du lịch ...) phục vụ Tết tăng theo quy luật. Giá một số vật liệu xây dựng (sắt, thép, xi măng) và giá nhân công xây dựng tăng do nhu cầu xây dựng và chi phí đầu vào tăng.
Nhận định tình hình 6 tháng cuối năm, PGS.TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính cho rằng giá cả những nhân tố làm tăng CPI là giá các mặt hàng thực phẩm tiếp tục tăng. Đặc biệt là giá thịt lợn có khả năng sẽ tăng mạnh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi làm cho tổng đàn nuôi của cả nước suy giảm nghiêm trọng và các hộ chăn nuôi chưa thực hiện tái đàn ngay được. Nhiều khả năng Nhà nước sẽ điều chỉnh tăng giá học phí, điều chỉnh giá dịch vụ y tế.... theo lộ trình xã hội hóa giá dịch vụ y tế, giáo dục.
Ông Nguyễn Bá Minh cũng cho rằng, có một số nhân tố sẽ góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI như: tình hình kinh tế - xã hội thế giới còn nhiều bất ổn khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có khả năng sẽ tiếp tục giảm tốc.
"Tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn gặp nhiều khó khăn sẽ khiến cho người nông dân khó tiêu thụ được sản phẩm do mình làm ra. Hậu quả là giá nông sản tiếp tục giảm, sức mua của người nông dân suy yếu", ông Minh phân tích.
PGS.TS Nguyễn Bá Minh dự báo, CPI bình quân cả năm 2019 sẽ tăng ở mức từ 3 - 3,5% so với năm 2018.
Ông Ngô Trí Long cũng cho rằng, mục tiêu của Chính phủ kiểm soát CPI ở mức dưới 4% là khả thi, có thể thực hiện được nhưng cũng không thể chủ quan.
Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát CPI bình quân năm 2019, hỗ trợ cho tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, từ nay đến cuối năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai nghiêm túc các chỉ đạo.
Theo đó, ngành chủ động theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả để có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu hiện đang có nhiều biến động khó lường về cung cầu và chịu tác động lớn từ giá thế giới như: thịt lợn, lương thực, xăng dầu, LPG; mặt hàng đang có nhu cầu cao như vật liệu xây dựng
Bên cạnh đó, điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá, thế giới kết hợp với trích lập và sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm bình ổn giá trong nước./.Nhiều nhiệm vụ Chính phủ giao được thực hiện rất chậm
6 tháng đầu năm 2019: Giải ngân vốn nước ngoài, vốn ODA quá chậm