Sau 4 vụ liên tiếp xuống thấp, năm nay giá mía ở tỉnh Trà Vinh đã nhích lên 1.000 đồng/kg tại ruộng. Tuy nhiên niềm vui của nông dân Trà Vinh cũng không trọn vẹn vì mía nguyên liệu chất lượng kém, năng suất thấp nên lãi cũng thấp.
Dù giá đang ở mức cao nhưng không khí thu hoạch mía ở Trà Vinh vẫn trầm lắng, mỗi rẫy mía chỉ có vài nhân công thu hoạch. Ít người làm không phải giá thuê thấp, nguyên nhân là lao động của địa phương đã đi làm ăn ở địa phương khác.
Ông Ngô Tấn Thuần, ở xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú – một hộ có hơn 20 năm trồng mía và vừa thu hoạch xong hơn 1 ha mía cho biết, giá nhân công thu hoạch quá cao, trong khi năng suất mía chỉ đạt hơn 80 tấn/ha nên chỉ lãi chừng 20 triệu đồng là quá thấp.
“Năm nay giá mía tăng nên bán được 1.000 đồng/kg. Vụ mía vừa qua bán được 8 triệu đồng/công, sau khi trừ chi phí còn lãi 2 triệu đồng/công”, ông Thuần cho biết.
Nhiều năm liên tục giá mía ở Trà Vinh luôn ở mức thấp hơn giá thành sản xuất, nhiều nông dân đã chuyển dần sang đối tượng sản xuất khác và diện tích cứ giảm dần theo từng năm. Hiện địa phương chỉ còn khoảng 1.000 ha, chủ yếu là mía lưu gốc nên năng suất bình quân chỉ đạt 70-80 tấn/ha, tức thấp hơn 1/3 so với trước đây.
Trong khi đó, giá nhân công trồng, tỉa lá và thu hoạch mía hiện nay đã tăng lên mức từ 230.000 – 260.000 đồng/ngày và rất khan hiếm, nên nông dân trồng mía lãi không đáng kể dù được thu mua với giá 1.000đồng/kg tại ruộng, tức tăng gần 300 đồng/kg so với năm ngoái.
Việc khan hiếm nhân công không chỉ đẩy giá thuê tăng cao, người trồng mía giảm lợi nhuận mà còn gây khó khăn cho nhà máy đường, vì lượng mía đưa về mỗi ngày không đáp ứng được công suất hoạt động.
Ông Trần Ngọc Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty mía đường Trà Vinh cho biết, công suất của Nhà máy đường Trà Vinh là 3.000 tấn mía/ngày, nhưng mỗi ngày trên địa bàn chỉ thu được hơn 1.000 tấn mía nguyên liệu, nên phải thỏa thuận đưa về từ Sóc Trăng gần 1.000 tấn/ngày mới đảm bảo cho nhà máy hoạt động.
“Chính vụ thu hoạch nhưng do là thiếu nhân công, thiếu phương tiện vận chuyển nên lượng mía thu mua chỉ đáp ứng được 1.000 -1.100 tấn/ngày, hiệu quả sản xuất không đạt. Công ty đã thống nhất với công ty mía đường Sóc Trăng, khi thời gian nhà máy ở Trà Vinh sản xuất thì nhà máy Sóc Trăng phải tạm dừng, để đưa mía từ Sóc Trăng về hỗ trợ cho Trà Vinh. Giá mía bây giờ là 1 triệu đồng/tấn tại ruộng và có thể sẽ cao hơn để bà con nông dân quay lại sản xuất”, ông Hiền cho biết.
Năm nay, giá mía tăng cao nhưng nông dân cũng chỉ thu lãi trên 20 triệu đồng/ha, quá thấp so với đối tượng sản xuất khác. Vì thế diện tích mía của Trà Vinh chắc chắn sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới, khiến hàng ngàn hộ dân sẽ tiếp tục gặp khó, một khi hạ tầng chưa đáp ứng được điều kiện chuyển đổi./.