Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 diễn ra chiều 29/4 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ Tài chính vừa ký 5 kết luận thanh tra đối với 5 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sữa lớn chiếm 90% thị phần Việt Nam.

Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, qua kết quả thanh tra, Bộ Tài chính đã phát hiện nhiều sai phạm, như năm 2013 tất cả 5 doanh nghiệp đều tăng giá bán sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, trong đó có 4 công ty tăng giá 1 lần và 1 công ty tăng giá 2 lần. Mặt hàng tăng thấp nhất là 2,4%, mặt hàng tăng cao nhất là 30,668%.
lqt_4064.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai (Ảnh: Quang Trung)
 Qua thanh tra cũng phát hiện vi phạm kê khai thiếu sản phẩm đối với công ty Nestle Việt Nam và xử phạt hành chính 45 triệu đồng với doanh nghiệp này. Đồng thời, thanh tra Bộ Tài chính cũng “khui” ra chuyện kê khai thiếu thuế của 4/5 doanh nghiệp với số tiền trên 10 tỷ đồng.

Bà Vũ Thị Mai cũng cho biết thêm, Bộ Tài chính đã có văn bản số 250 trình Thủ tướng Chính phủ cho áp dụng các biện pháp bình ổn giá theo điều 17 của Luật Giá. Tại phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã đồng ý với phương án đề xuất của Bộ Tài chính.

Cụ thể, căn cứ khoản 4 điều 17 của Luật Giá, sẽ thực hiện đăng ký giá đối với các sản phẩm sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi và thời gian đăng ký là 6 tháng.

Căn cứ vào khoản 7, thực hiện biện pháp quy định giá tối đa với sản phẩm sữa  cho trẻ em dưới 6 tuổi và thời hạn là 12 tháng.

Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính chủ trì cùng với các bộ ngành liên quan để thực hiện giải pháp bình ổn giá.

Theo tính toán, việc áp giá trần cho mặt hàng sữa sẽ giúp mỗi hộp sữa dành cho trẻ em giảm từ 50.000 -70.000 đồng. Hiện Việt Nam có 10 triệu trẻ em dưới 6 tuổi, mức giảm này sẽ là số tiền đáng kể và chia sẻ khó khăn cùng người dân, gia đình có con nhỏ.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định Bộ sẽ triển khai khẩn trương và quyết liệt giải pháp áp giá trần đối với mặt hàng sữa.

Về vấn đề áp trần giá sữa, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn nên cũng cho hay: “Thủ tướng đã nhắc nhở Bộ, ngành liên quan trong lĩnh vực kiểm tra thị trường, quản lý giá, có trách nhiệm liên quan tới giá sũa phải tự xem xét, rút kinh nghiệm. Khi làm việc này, Chính phủ cũng cân nhắc xem có hợp pháp không? Đánh giá là thứ nhất, việc này là hợp pháp và hợp lý. Thứ hai là đúng quan điểm, có người nói là mang tính nhân văn. Thứ ba là hài hòa. Cho nên chúng ta hãy cố gắng tuyên truyền mạnh, tiếp tục theo dõi, giám sát quản lý lĩnh vực này. Chúng ta tuyên truyền gì? Tuyên truyền để doanh nghiệp, người buôn bán cũng phải biết chia sẻ việc này, thu lợi nhuận với mức vừa phải”./.