Thông thường, việc tưới nước đợt 2 cho cây cà phê đã hoàn tất từ đầu tháng 3. Tuy nhiên, với diễn biến khắc nghiệt của mùa khô 2014-2015, hiện tại, nông dân ở tỉnh Gia Lai vẫn đang loay hoay tìm nguồn nước cứu hạn cho diện tích cà phê của mình.
Hơn 20 năm làm cà phê, chưa năm nào ông Phan Thanh Hải, ở tổ 2, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, chứng kiến dòng suối Ia Châm cạnh vườn cà phê của mình suy kiệt như năm nay.
Mới vào đầu đợt tưới thứ 2, suối đã cạn thấy đáy. Máy bơm cứ phải hoạt động theo kiểu một chạy ba dừng, nên gia đình phải cử người túc trực ở rẫy hơn nửa tháng, đợi nước suối lên là bơm, nhưng cũng chỉ đủ cầm cự cho cây cà phê khỏi bị chết.
“Nước tưới thiếu trầm trọng, người trồng cà phê bơm nước khoảng nửa tiếng đến 1 tiếng đã phải tắt máy. Mọi năm nguồn nước đủ chỉ cần tưới 5 ngày là xong, năm nay phải tưới tới 16 ngày”, ông Phan Thanh Hải nói.
“Nếu đầu tư dể kéo ống lấy nước khoảng cách quá xa như hiện nay phải mất 70 - 80 triệu đồng”, anh Thảo cho biết.
Theo con số của ngành nông nghiệp Gia Lai, hiện nay chưa đến giai đoạn gay gắt nhất của mùa khô, nhưng toàn tỉnh Gia Lai đã có 1.085 ha cây trồng bị hạn, mức độ khô hạn được đánh giá là nghiêm trọng hơn các năm.
Theo ông Văn Phú Bộ, trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai), nếu trong 10 ngày nữa trời không mưa, tỉnh Gia Lai sẽ công bố hạn. Trước mắt, để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, ngoài việc điều tiết nước hợp lý từ các công trình thuỷ lợi, các thôn làng phải tự đề ra cách giải quyết linh hoạt, phù hợp với thực tế của mình .
“Sở Nông nghiệp đã chỉ đạo các phương án nạo vét kênh mương, tưới tiết kiệm, phân bổ nước hợp lý… những vùng nào đào được giếng chiến lược thì thiết lập những giếng chiến lược. Ngay cả cây cà phê và cây lúa, lựa chọn cây nào để cứu hạn trước cũng là vấn đề điều tiết nước. Các xã, các thôn làng, tùy vào điều kiện của mình mà vận dụng cho phù hợp”, ông Bộ cho biêt”./.