Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo đó, các doanh nghiệp (DN) nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, vận tải, dịch vụ lưu trú, du lịch...; DN nhỏ và siêu nhỏ, cá nhân và hộ gia đình sẽ được gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất thêm 5 tháng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến DN cho rằng, trong thời điểm khó khăn này, giải pháp giãn thuế là chưa đủ, chưa hỗ trợ nhiều cho DN.

Không có doanh thu để nộp thuế

Là DN nhỏ với khoảng 30 lao động, doanh thu bán hàng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Toàn Thịnh từ sau tết đến nay chỉ bằng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, thuế GTGT cũng chỉ dao động khoảng 40 - 45 triệu đồng/tháng thay vì mức 120 - 150 triệu đồng/tháng như trước đây.

tien_5_ijzi.jpg
Theo nhiều DN, giải pháp giãn thuế này thực tế cũng chưa đủ để “cứu” DN. (Ảnh minh họa: KT)

Ông Nguyễn Toàn Thịnh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Toàn Thịnh cho biết, dịch bệnh tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của DN, khi Nghị định được ban hành thì sẽ giúp giảm phần nào chi phí cho DN. Tuy nhiên, do doanh thu giảm mạnh nên thuế GTGT cũng giảm theo, do đó giải pháp giãn thuế này thực tế cũng chưa đủ để “cứu” DN.

“Gia hạn nộp thuế thực chất là cho DN được giữ tiền lại lâu hơn để xoay xở qua thời kỳ khó khăn, nhưng DN giờ cũng không còn tiền mà giữ. Hiện giờ chúng tôi chỉ mong ngân hàng xem xét giảm lãi suất cho các khoản vay chưa đến kỳ đáo hạn và có thêm các chính sách hỗ trợ liên quan đến vốn vay càng nhanh càng tốt”, ông Nguyễn Toàn Thịnh kiến nghị.

Trao đổi với PV Báo Điện tử VOV, ông Phạm Hữu Truyền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Xây dựng và Dịch vụ Trường Thành cho rằng, thuế GTGT thì DN bán được hàng mới phát sinh, thu từ người tiêu dùng và nộp lại cho nhà nước. Nếu DN không bán được hàng thì cũng không có số thuế này.

“Không có khách, không có doanh thu thì chính sách hỗ trợ này cũng không mang lại nhiều tác dụng. Thực sự hiện nay các DN cần nhất là được giãn nợ, không ghi nợ xấu, đặc biệt cho các DN vừa và nhỏ, hộ gia đình”, ông Phạm Hữu Truyền cho hay.

5 tháng quá ngắn

Trong buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ tại trụ sở của Chính phủ mới đây, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế tư nhân cũng bày tỏ niềm vui khi Chính phủ đã kịp thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Đây chính là sự chia sẻ của Chính phủ với các hoạt động sản xuất kinh doanh, nhưng nhiều DN cho rằng 5 tháng là thời gian quá ngắn.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG cho rằng, chính sách giãn hoãn nộp thuế là một phần giúp đỡ DN trong thời điểm khó khăn hiện nay. Nộp thuế chậm lại 5 tháng là tốt nhưng đại diện Tập đoàn BRG đề nghị kéo dài thời gian gia hạn nộp thuế.

“Chúng tôi mong thuế GTGT phải nộp từ tháng 2 đến tháng 6 nên được gia hạn nộp từ 9 tháng đến một năm. Tiền thuê đất cũng nên gia hạn nộp 12 tháng”, bà Nguyễn Thị Nga nêu ý kiến.

Cũng mong thời gian gia hạn nộp thuế được dài hơn, bà Hồ Ngọc Yến Phương, Phó Tổng giám đốc Vietjet kiến nghị gia hạn thuế ít nhất là 6 tháng. Theo bà Phương, phí sân bay rất lớn, chi phí nhiên liệu bay chiếm tới 30%-40% trong tổng chi phí của các hãng hàng không. Giá xăng dầu giảm, nhưng thuế bảo vệ môi trường vẫn là 3.000 đ/lít xăng tương đương 22% giá xăng nên DN vẫn phải mất một khoản chi phí lớn.

“Chúng tôi đề nghị miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường cho nhiên liệu bay. Đồng thời miễn giảm từ 50% tới 70% phí dịch vụ hoạt động hàng không như chi phí cất hạ cánh, lệ phí sân bay, giãn thời gian nộp lệ phí. Thái Lan, Nhật Bản và Singapore đều đã giảm, tôi mong Chính phủ cũng giảm phí để hỗ trợ DN”, bà Yến Phương phát biểu.

Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, cần có một chương trình tổng thể hỗ trợ DN một cách toàn diện giảm chi phí cho DN, kể cả miễn, giảm thuế, phí, lãi suất vay, giãn hoãn nợ… đặc biệt là những lĩnh vực ngành nghề chịu tác động nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Nhưng sự hỗ trợ phải có chọn lọc, không cào bằng, không dàn đều.

“Điều quan trọng nhất là phải xác định đúng đối tượng thụ hưởng với những tiêu chí xác đáng và cụ thể để tránh tình trạng hỗ trợ “sai địa chỉ”. Việc hỗ trợ không đúng đối tượng có thể khiến dòng vốn ngân sách khan hiếm hơn, người cần hỗ trợ thì không nhận được hỗ trợ, trong khi lại có nguy cơ dòng tiền chảy vào những kênh đầu tư không hiệu quả hoặc kém bền vững, từ đó không bảo đảm chất lượng tăng trưởng và rủi ro lạm phát tăng cao sau này”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh khuyến cáo./.