Giá dầu thế giới vừa giảm xuống mức kỷ lục mới, dưới 50 USD/thùng, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Trước diễn biến này, ngày 6/1, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng tiếp tục được điều chỉnh giảm. Việc giá dầu thô giảm mạnh được cho là có tác động “kép” đến nền kinh tế Việt Nam. Một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng kinh tế. Nhưng mặt khác, tác động bất lợi cũng không hề nhỏ khi giá dầu thế giới liên tục giảm sâu.
Trong bối cảnh này, cần thiết phải có những phương án ứng phó hợp lý để tận dụng thời cơ, giảm thiểu tác động xấu đến nền kinh tế.
Hiện xăng RON 92 còn 17.570 đồng/lít. Các loại dầu dao động từ 13.300 đồng đến 17.110 đồng/lít. Như vậy, với 13 lần giảm giá liên tục, giá xăng dầu trong nước đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua.
Theo các chuyên gia, điều này tác động tích cực đến nền kinh tế. Bởi chi phí đầu vào giảm khiến doanh nghiệp có thể hạ giá thành sản phẩm, giá bán sẽ giảm có lợi cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận tốt hơn.
Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cũng nhận định, với dự báo giá dầu thế giới năm 2015 giảm 33% và giả định giá xăng dầu trong nước giảm tương ứng, ước tính giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%. Khi giá hàng hóa, dịch vụ giảm sẽ kéo theo lạm phát giảm, có lợi cho sự phục hồi và phát triển kinh tế.
Giảm khai thác những mỏ dầu chi phí cao
Mặc dù vậy, trước mắt có thể thấy những tác động bất lợi từ việc giá dầu thế giới giảm kỷ lục. Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), giá dầu giảm sâu khiến lợi nhuận Tập đoàn giảm mạnh trong năm 2015 và nộp ngân sách nhà nước cũng giảm theo.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN cho biết, với kịch bản giá dầu dưới 60 USD/thùng, doanh thu của Tập đoàn chỉ đạt 515.000 tỷ đồng và 104.000 tỷ đóng góp ngân sách, giảm nhiều so với con số khoảng 718.400 tỷ đồng doanh thu, trong đó nộp ngân sách gần 160.000 tỷ đồng, khi giá dầu vẫn ở mức 100 USD/thùng. Dự kiến, năm 2015, tổng lượng dầu quy đổi mà Tập đoàn khai thác khoảng 26,6 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với năm ngoái. Trong khi giá dầu giảm mạnh, thì chi phí sản xuất ở một số mỏ trong nước vẫn rất cao, trên 60 USD/thùng. Do đó, PVN đang tính toán giảm, hạn chế khai thác ở các mỏ có chi phí cao để đảm bảo hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Xuân Sơn nói: “Giá thành khai thác tùy theo từng mỏ. Phần lớn các mỏ của PetroVietNam có chi phí khai thác trung bình từ 30 đến 35 USD/thùng. Mỏ Bạch Hổ chỉ dưới 30 USD/thùng. Nhưng có những mỏ như Sông Đốc trên 80 USD. Khi giá dầu vẫn ở mức dưới 60 USD như hiện nay thì PVN dự kiến sẽ dừng khai thác 4 mỏ có chi phí từ 60 USD/thùng trở lên”.
Điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá dầu thô giảm mạnh chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của ngân sách Nhà nước. Mỗi năm, Việt Nam tiêu dùng khoảng 12 triệu tấn xăng dầu, trong đó phải nhập khoảng 70%. Khi giá xăng dầu thế giới giảm, nguồn thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu sẽ giảm theo.
Bộ Tài chính mới đây đã tăng thuế nhập khẩu xăng từ 27% lên 35%. Các loại dầu là 30%-35%. Trước đó, Bộ Tài chính cũng đưa ra barem thuế nhập khẩu xăng dầu, nếu dầu thô xuống dưới 60 USD/thùng thì cả 4 mặt hàng xăng dầu đều được quyền tăng thuế kịch trần là 40%.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, điều này phần nào giảm bớt khó khăn của thu ngân sách. Đáng lo ngại nhất hiện nay là nguồn thu từ ngân sách nhà nước bị giảm mạnh từ việc xuất khẩu dầu thô: “Sản lượng giảm, nguồn thu giảm, khuyến khích sản xuất phát triển, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển, có hiệu quả có lợi và đó mới là nguồn thu quan trọng, đó là nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp. Chúng ta tính toán cân đối ngân sách với giá dầu là 100 USD/thùng nên trong bối cảnh này phải xem thất thu bao nhiêu và đồng thời cơ quan chức năng phải có giải pháp cụ thể để tăng nguồn thu lên”.
Tìm cách tăng nguồn thu, đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước
Năm 2015, dự toán thu cân đối ngân sách được Quốc hội thông qua là hơn 911.000 tỷ đồng, trong đó thu từ dầu thô là 93.000 tỷ đồng, với điều kiện giá dầu thô ở mức 100 USD/thùng. Ước tính, giá dầu cứ giảm 1 USD so với dự toán 100 USD sẽ khiến nguồn thu hụt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, với việc giá dầu xuống dưới 55 USD/thùng, ngân sách nguy cơ thiếu khoảng 45.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh này, Bộ Tài chính cho biết sẽ đưa ra các giải pháp để bù thu, không để việc giảm giá dầu ảnh hưởng đến thu ngân sách năm 2015. Theo đó, trước hết sẽ thu nợ thuế, hiện khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó, khoảng 50.000 tỷ đồng còn khả năng thu hồi.
Bộ Tài chính cũng không điều chỉnh thu chi ngân sách hoặc tăng vay, mà sẽ có biện pháp để đảm bảo cân đối. Đồng thời, đề nghị các bộ, địa phương thu ngân sách đúng quy định, đảm bảo không thấp hơn so với dự toán được giao, phấn đấu tăng thu nội địa và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù đắp số hụt thu do dầu thô sụt giảm.
Mới đây, lần đầu tiên 4 Bộ gồm: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương và Ngân hàng Nhà nước ký kết quy chế phối hợp điều hành kinh tế vĩ mô, trong đó việc theo dõi tình hình sản xuất, xuất nhập khẩu dầu được đặc biệt lưu ý trong bối cảnh giá thế giới giảm mạnh, ảnh hưởng đến kinh tế, ngân sách của quốc gia.
Từ đó, có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhất để xử lý tình huống sao cho giảm thiểu tác hại tới nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, khẳng định: “Giá dầu giảm chắc chắn ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách Nhà nước. Trước đây dầu khí đóng góp trên 20%-30% thu ngân sách nhưng hiện nay giảm xuống còn 10-11%. Chúng ta ngày càng ít phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, tuy nhiên đây vẫn là phần đóng góp quan trọng. Vì thế, Tập đoàn Dầu khí và các Bộ Kế hoạch Đầu tư, Tài chính, Công Thương và Ngân hàng nhà nước đã họp bàn về việc nếu giá dầu năm 2015 ở mức thấp thì có biện pháp phù hợp để vừa duy trì phát triển ngành dầu khí vừa giảm bất lợi do giá thấp. Chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ ngay đầu năm 2015. Tôi tin là nếu được chấp thuận thì sẽ giảm thấp nhất tác động bất lợi”.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, hiện nguồn thu từ giá dầu thô chỉ chiếm khoảng 10% tổng thu ngân sách. Do không quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, nên về lâu dài, giá dầu càng giảm, càng có lợi cho nền kinh tế. Với các giải pháp đồng bộ sẽ đảm bảo giảm thiểu tác động tiêu cực của giá dầu thô, đồng thời tận dụng được cơ hội và đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2015 là 6,2%./.