Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng này tiếp tục giảm 0,2% so với tháng trước. Đây là mức tăng thấp nhất trong các tháng 1 từ khi Việt Nam bắt đầu tính CPI (năm 1998) trở lại đây.
Tháng 1 có 3/11 nhóm hàng trong rổ tính CPI có chỉ số giá giảm so với tháng trước. Nhóm giao thông giảm mạnh tới 3,96% so với tháng trước; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng giảm 1,09% ; nhóm bưu chính viễn thông giảm nhẹ 0,07%. Nguyên nhân là do giá xăng dầu trong nước giảm theo giá dầu thế giới. Bên cạnh đó, hiện Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải tăng cường kiểm tra, rà soát giá cước vận tải trong thời gian qua cũng góp phần khiến các doanh nghiệp giảm giá cước vận tải.
CPI tháng đầu tiên của năm nay tiếp tục giảm còn do giá cả các mặt hàng còn lại ổn định, không tăng mạnh như mọi năm. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vốn tăng mạnh ở cùng thời điểm của các năm trước cũng chỉ tăng 0,28%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tươi sống có tăng lên để đáp ứng các nhu cầu cận Tết Nguyên đán, nhưng giá xăng dầu liên tục giảm khiến tâm lý của người bán không thể đẩy giá lên quá cao. Do vậy, giá các mặt hàng thực phẩm chỉ tăng nhẹ 0,42% so với tháng trước.
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giá dầu thô thời gian tới vẫn có thể tiếp tục giảm, đây cũng là một yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam: “Dầu là mặt hàng chiến lược trong tăng trưởng của Việt Nam. Đó cũng là nguyên liệu đầu vào của dân cư và các ngành sản xuất. Giá dầu tăng thấp là điều rất tốt cho nền kinh tế vì nó làm cho chi phí sản xuất giảm. Mặc dù nó ảnh hưởng đến khai thác dầu thô, giá dầu thô, thu ngân sách của chúng ta song chúng tôi đánh giá mặt thuận lợi là nhiều hơn. Khai thác dầu thô của chúng ta giá thành không phải quá cao nên Chính phủ sẽ có giải pháp để hạn chế tác động của giá dầu thô giảm. Đồng thời tận dụng được mặt tích cực của giá dầu giảm đối với chi phí sản xuất của nền kinh tế”./.