Những ngày gần đây, giá gia cầm trên thị trường có xu hướng tăng khiến người tiêu dùng lo ngại về khả năng thiếu hụt nguồn gia cầm dịp Tết Quý Tỵ. Tuy nhiên, qua trao đổi với TS. Trần Công Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, giá gia cầm tăng là tín hiệu vui cho thấy đà hồi phục của ngành chăn nuôi, với đặc trưng vòng đời thương phẩm ngắn, nên đàn gia cầm trong nước sẽ sớm đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

PV: Thưa ông, giá gia cầm có xu hướng tăng trong những ngày gần đây có phải là báo hiệu tình trạng thiếu hụt nguyên liệu gia cầm trong nước do việc giảm đàn gia cầm nuôi thời gian qua?
anh-quan.jpg 
 TS. Trần Công Xuân - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam
-
Vừa rồi, Chính phủ đã có quyết tâm rất lớn để ngăn chặn gia cầm nhập lậu qua biên giới, dẹp những sản phẩm độc hại, mang vi trùng vào nước ta làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng và ngành chăn nuôi trong nước. Biện pháp này đã đạt được những thành công này rất lớn, làm cho giảm lượng cung từ ngoài vào.

Riêng việc tăng giá để tiến tới giá thành gia cầm ổn định và có lãi là điều chắc chắn sẽ xảy ra. Tuy nhiên, việc giá gia cầm tăng lại là tín hiệu mừng cho ngành chăn nuôi Việt Nam.

Trong năm 2012 vừa qua, ngành chăn nuôi gia cầm nước ta bị thua lỗ, giá đầu vào quá cao, giá thành tăng lên trong khi giá tiêu thụ trên thị trường thấp. Bất lợi hơn nữa là sản phẩm gia cầm nhập lậu tràn lan qua biên giới rất lớn. Khi bị thua lỗ tới 30% - 40% như vậy nhiều cơ sở chăn nuôi không trụ được và đã phải giảm đàn.

Thêm nữa, nhu cầu dịp Tết lại tăng cao. Với 3 nguyên nhân này tất nhiên sẽ làm giá gia cầm tăng.

PV: Người dân đang lo lắng về khả năng khan hiếm gia cầm và nguy cơ giá gia cầm tăng quá cao trong dịp Tết Nguyên đán. Tình trạng này liệu có xảy ra không thưa ông?

- Người chăn nuôi đã có kế hoạch chuẩn bị nhiều sản phẩm cho dịp Tết. Chỉ có điều, lượng sản phẩm dịp Tết năm nay so với mọi năm là không bằng bởi chăn nuôi thua lỗ, người chăn nuôi phải giải quyết đàn đi. Tuy vậy việc chuẩn bị sản phẩm Tết vẫn nhiều và chu đáo.

Việc tăng giá gia cầm sẽ mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi trong nước. (Ảnh: Internet)

Tất nhiên, khi nguồn cung giảm đi, nhu cầu Tết tăng cao sẽ dẫn đến giá sản phẩm gia cầm nói chung tăng dần từ nay đến Tết. Đây là nguyên nhân khách quan nhưng việc tăng giá không đến mức đột biến để cho người chăn nuôi lợi dụng. Việc tăng giá chỉ có thể tiến tới giá thành và có lãi. Ví dụ trước đây, người ta bán 110.000 đồng/kg gà bị lỗ, bây giờ tăng cũng chỉ có thể lên tới 150.000 đồng, điều này đã mang lại lợi nhuận cho người chăn nuôi.

PV: Thưa ông, như vậy sẽ phải cần thời gian bao lâu để củng cố ngành chăn nuôi, bù đắp lại lượng gia cầm thiếu hụt, cân bằng cung cầu trên thị trường?

- Việc tái đàn của gia cầm quay vòng rất nhanh. Sau Tết khoảng 2 tháng khả năng nắng ấm lên lại càng nhanh. Bởi lẽ gia cầm cần 40-50 ngày đối với gà công nghiệp, 4 tháng đối với gà ta, còn riêng gà đẻ trứng thì chậm hơn, phải tới 6 tháng.

Việc khôi phục lại các đàn gia cầm sẽ kịp thời, nếu thị trường ủng hộ cho ngành chăn nuôi không lỗ thì việc tái đàn diễn ra rất nhanh. Cho nên không có gì phải trăn trở lo nghĩ về việc khan hiếm thực phẩm đến mức độ ảnh hưởng đến nhu cầu thị trường.

PV:Xin cảm ơn ông!./.