Vượt mọi dự báo của các chuyên gia cũng như tổ chức quốc tế, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2015 ước tính tăng 6,03%, cao nhất so với cùng kỳ 5 năm qua. Vì sao GDP lại có mức tăng đột biến này và con số tăng trưởng cao như vậy cho thấy những điểm đáng chú ý nào của nền kinh tế?
Trong khi các chuyên gia đưa ra kịch bản GDP trong quý 1 của Việt Nam chỉ tăng khoảng 5,5-5,6%, các tổ chức tín dụng như ANZ và HSBC cũng lần lượt dự đoán tăng trưởng kinh tế quý 1 của Việt Nam khoảng 5,6-5,9%, thì thực tế, GDP quý 1 tăng tới 6,03%.
Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, quý 1 lại có thời gian nghỉ lễ kéo dài, ngoài ra, xuất khẩu - vốn được đánh giá là trụ đỡ cho tăng trưởng Việt Nam trong quý 1 chỉ tăng 6,9% (thấp hơn nhiều so với con số 14% của cùng kỳ năm ngoái), thì việc tăng trưởng GDP ở mức cao như vậy gây nên nhiều bất ngờ.
Tuy nhiên, theo Tổng cục thống kê, GDP quý 1 tăng cao không có gì là bất thường mà hoàn toàn phù hợp. Bởi từ đầu năm đến nay, ngành công nghiệp và hầu hết các ngành dịch vụ kinh doanh đều tăng trưởng. Cụ thể, giá trị gia tăng của khu vực công nghiệp (chiếm tới 30% GDP) tăng tới 8,35%, gần gấp đôi mức tăng cùng kỳ hai năm trước; chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) cũng tăng hơn 9%, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Hoạt động kinh doanh bất động sản có cải thiện hơn, đạt mức tăng 2,55%, cao hơn mức tăng 2,38% của cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, kết quả khảo sát từ hơn 3.200 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy gần 70% doanh nghiệp có số đơn đặt hàng trong quý 1 tăng hoặc ổn định…
Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, tăng trưởng kinh tế quý 1 không hoàn toàn dựa vào tình hình diễn ra ngay trong quý đó mà có thể được tích lũy từ trước liên quan đến đầu tư, tăng trưởng tín dụng. Thực tế, tháng 12/2014, tín dụng tăng nhanh tới 3% và kết quả tăng trưởng tín dụng đó có độ trễ, chuyển sang cho năm nay.
TS Lưu Bích Hồ phân tích: “Mức tăng trưởng GDP 6.03% cho thấy nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Mặc dù có nghỉ lễ Tết nhiều nhưng nói chung doanh nghiệp đã khởi động lại và CPI đã nhích lên, không phải như những tháng trước nữa cho thấy sức mua chuyển biến. Từ đầu năm Chính phủ đã có quyết tâm điều hành nền kinh tế, cải cách thể chế giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp về mặt vốn, thủ tục hành chính và môi trường kinh doanh nói chung. Những tác động đó đóng góp vào tăng trưởng. Tăng trưởng đó cũng mới là tín hiệu bước đầu, không nên chủ quan.”
Một số chuyên gia nhận định, quý I năm nay có tốc độ tăng trưởng cao so với những năm khác và đây có thể coi là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi và dần đi vào thế ổn định, phát triển. Tuy nhiên, đằng sau con số tăng trưởng này vẫn còn một số điểm đáng lưu ý.
PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, có tới 2.565 doanh nghiệp giải thể, chấm dứt hoạt động kinh doanh; 16.175 doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải ngừng hoạt động… Như vậy có thể thấy, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế vẫn phần lớn là do khối doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, nền kinh tế vẫn đối mặt với không ít thách thức. Tăng trưởng kinh tế hiện nay phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Trong khi đó ngoại trừ Mỹ, còn lại một số nền kinh tế lớn và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như Nhật Bản, EU…vẫn đang khó khăn, nên ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, vẫn còn đó những yếu tố gây cản trở tăng trưởng kinh tế như: xử lý nợ xấu, sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu.
PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, một mặt nhìn nhận phục hồi tăng trưởng kinh tế, song cũng phải lường các yếu tố khó khăn đối với nền kinh tế trong thời gian tới. “Vẫn cần chú ý nhiều hơn nữa cải cách thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế. Năm nay từ đầu năm Chính phủ ráo riết cải cách thể chế, để cải thiện vượt bậc môi trường kinh doanh của Việt Nam. Tôi cho rằng, tốc độ tăng trưởng cao là tốt nhưng tập trung cao vào cải cách, tái cơ cấu, như vậy cơ hội tăng trưởng cho những năm sau vững chắc hơn. Năm nay tăng trưởng 6,4-6,5% có thể đạt được. Quan trọng hơn là cải cách có tiếp tục duy trì được như mong muốn. Bởi vì năm nay đón nhận nhiều hiệp định thương mại tự do, tạo sức ép thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh rất nhiều. Nếu làm chững lại đà này thì đáng tiếc,” TS Trần Đình Thiên nói.
Nhìn lại bức tranh kinh tế quý I/2015, với mức tăng trưởng GDP 6,03% cho thấy nền kinh tế đang trên đà phục hồi, tình hình vĩ mô ổn định vững chắc hơn. Trong cuộc họp Chính phủ thường kỳ mới đây, các thành viên Chính phủ đều nhận định kinh tế quý II sẽ tiếp tục đà tăng trưởng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới đầy biến động, với diễn biến khó lường của đồng đôla Mỹ và giá dầu thế giới, sẽ có những tác động không nhỏ đến nền kinh tế. Do đó, điều hành kinh tế vĩ mô vẫn phải hết sức thận trọng. Bên cạnh đó là các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo động lực phát triển, tăng trưởng bền vững./.