Phát biểu tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2014 do Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức chiều 27/12, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2014 ước tính tăng 5,98% so với năm 2013, trong đó quý I tăng 5,06%, quý II tăng 5,34%, quý III tăng 6,07% và quý IV tăng 6,96%.
Ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh: “Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mức tăng của năm 2012 là 5,25% và mức tăng 5,42% của năm 2013, cho thấy tín hiệu tích cực của nền kinh tế. Trong mức tăng 5,98% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,49%, cao hơn mức 2,64% của năm 2013, đóng góp phần trăm vào mức tăng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,14%, cao hơn nhiều mức tăng 5,43% của năm trước, đóng góp 2,75 điểm phần trăm, khu vực dịch vụ tăng 5,96% (đóng góp 2,62% điểm phần trăm vào mức tăng chung)”.
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 18,12%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,50%; khu vực dịch vụ chiếm 34,38% (cơ cấu tương ứng của năm 2013: 18,38%, 38,31%, 43,31%).
Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2014 tiêu dùng cuối cùng tăng 6,20% so với năm 2013, đóng góp 4,72% vào mức tăng chung (tiêu dùng cuối cùng của dân cư tăng 6,12%, cao hơn mức tăng 5,18% của năm trước); tích lũy tài sản tăng 8,90%, đóng góp 2,90 điểm phần trăm.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến cách tính GDP của Việt Nam, ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống Tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) khẳng định, việc tính toán tăng trưởng GDP căn cứ vào giá so sánh. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng giá so sánh năm 2010. Vì vậy, cho nên nếu sản lượng dầu và khí khai thác vẫn tăng thì tăng trưởng GDP vẫn tăng. Tuy nhiên, nếu giá dầu giảm, nó sẽ ảnh hưởng đến giá hiện hành và giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước.
Nếu GDP cao hơn dự kiến thì tác động đến Biển Đông sẽ như thế nào? Ông Tuyến cho biết thêm: “Như tôi đã trả lời trong cuộc họp báo 6 tháng đầu năm 2014, nếu tình hình có nhiều cải thiện, có nhiều giải pháp của Thủ tướng Chính phủ và các cấp, ngành thì khả năng đạt 5,8% là hoàn toàn đạt được. Và đúng như dự kiến, sau 6 tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã có rất nhiều giải pháp để phát triển sản xuất kinh doanh nhằm đẩy tăng trưởng đạt mục tiêu đề ra. Trong 6 tháng cuối năm, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng khá so với 6 tháng đầu năm. Ngành khai khoáng cũng tăng cao hơn so với 6 tháng đầu năm. Cả năm tăng cả khí, dầu và các khai khoáng khác tăng được 2,4%. Trong khi đó, năm 2013, ngành này tăng trưởng âm 99,8%”.
Về câu hỏi tại sao GDP của Việt Nam quý sau lại cao hơn quý trước, ông Tuyến giải thích trước hết là do công tác kế hoạch của Việt Nam rất chậm. Công tác kế hoạch đi kèm với công tác phân bổ nguồn lực về vốn, lao động và các mặt khác. “Đối với việc tính toán GDP của Việt Nam, hiện nay chúng tôi chưa được điều chỉnh theo mùa vụ. Cho nên nó đã xảy ra tình trạng như thế này. Khi điều chỉnh mùa vụ nó sẽ có thay đổi hơn”, ông Tuyến nói./.