Theo tin từ Văn phòng đại diện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Hà Nội, ngày 1/5 các đoàn đại biểu đã bắt đầu đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia tại Hà Nội để tham dự Hội nghị Thường niên lần thứ 44 của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển Châu Á.

Hội nghị sẽ chính thức bắt đầu từ ngày 3 đến ngày 6/5, đánh dấu lần đầu tiên ADB tổ chức hội nghị thường niên tại Việt Nam. Gần 4.000 đại biểu gồm các bộ trưởng tài chính, các nhà hoạch định chính sách, lãnh đạo các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu, đại diện các tổ chức phát triển, tổ chức xã hội dân sự và các phóng viên thông tấn, báo chí sẽ tham gia hội nghị lần này.

Các đại biểu đến từ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Pranab Mukherjee; Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Li Yong cùng các bộ trưởng tài chính, thống đốc ngân hàng trung ương của các nước khác trong khu vực. Đến từ khu vực khác đáng chú ý có Phó Tổng thống Tây Ban Nha Jose Miguel Cortes; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Vương quốc Bỉ DiDidier Reynders và Bộ trưởng Tài chính Pháp, bà Christine Lagarde (Pháp đang là Chủ tịch luân phiên G20)... sẽ tham dự Hội nghị.

Các đại biểu sẽ tập trung thảo luận về những vấn đề mới nổi, đang rất được quan tâm như giá lương thực và năng lượng, biến đổi khí hậu; những chiến lược tốt nhất mà ADB cần phối hợp với khu vực công và khu vực tư nhân nhằm giảm nghèo và đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong dài hạn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tại hội nghị năm nay, ADB sẽ trình bày những kết quả ban đầu của bản báo cáo Châu Á đến năm 2050 - Hiện thực hóa một thế kỷ Châu Á, trên phương diện nhân khẩu học, xã hội, môi trường, những thách thức về kinh tế ở phía trước và những gì khu vực này cần phải làm để đảm bảo một tương lai thịnh vượng trong vòng 40 năm tới. Chủ tịch ADB Haruhiko Kuroda sẽ chủ trì phiên thảo luận về vấn đề này với các bộ trưởng tài chính Bangladesh, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản... cùng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cùng với đại diện G20, Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Nhật Bản... ADB cũng sẽ tổ chức phiên thảo luận quan trọng về cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế. Thông lệ, tại Hội nghị thường niên, ADB sẽ đưa ra các định hướng về những ưu tiên hoạt động, ưu tiên tài trợ cũng như ưu tiên về quản lý hành chính.

Ngân hàng Phát triển Châu Á có trụ sở chính tại Manila, Philippines, có mục tiêu hoạt động là giảm đói nghèo ở Châu Á-Thái Bình Dương thông qua tăng trưởng kinh tế toàn diện, bền vững và hội nhập khu vực. Được thành lập từ năm 1966, ADB hiện có 67 thành viên. Trong năm 2010, ADB đã thông qua tổng số tiền hỗ trợ là 17,51 tỷ đô la, bao gồm cả các dự án đồng tài trợ./.