Trên cơ sở nhìn lại 35 năm đổi mới (giai đoạn từ năm 1986 - 2020) và đánh giá tổng quát kết quả thực hiện các Nghị quyết Đại hội XI, XII của Đảng, với rất nhiều thành tích đạt được của quá trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả”.
Trên cơ sở đánh giá tổng quát 35 năm đổi mới (giai đoạn 1986-2020) Việt Nam đã có bước tiến ngoạn mục. Đến nay, nước ta đã có quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ; tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực…
Đặc biệt, nhìn lại quá trình từ khi mở cửa hội nhập đến nay, Việt Nam đã ký kết thành công 18 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Chỉ tính riêng giai đoạn 5 năm vừa qua, Việt Nam đã chủ động đàm phán và ký kết nhiều Hiệp định thương mại với các đối tác lớn, chủ yếu là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - ký kết ngày 8/3/2018, có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 14/1/2019, hai Hiệp định với Liên minh châu Âu (EU) là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (EVIPA) được ký kết ngày 30/6/2019 trong đó Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực với Việt Nam từ ngày 1/8/2020); Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Vương Quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA) ký ngày 29/12/2020 và có hiệu lực tạm thời ngay trong ngày cuối cùng của năm 2020 và chính thức có hiệu lực toàn phần từ tháng 5/2021.
Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP - được ví như một “siêu hiệp định” - bởi sự tham gia của với sự tham gia của 10 nền kinh tế ASEAN và 5 đối tác có đa dạng các nền kinh tế cả trình độ cao, với quy mô 27.000 tỷ USD, tương ứng khoảng 30% tổng GDP toàn cầu, tạo ra một thị trường lớn nhất thế giới với hơn 2,2 tỷ người tiêu dùng) cũng đã được ký kết vào ngày 15/11/2020.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh khẳng định, thông qua việc ký kết và thực thi hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) “thế hệ mới” Việt Nam đã thể hiện rất rõ quan điểm “Việt Nam là một quốc gia nhất quán, chủ động, tích cực trong thực thi hội nhập và mở cửa”. Qua đó, khẳng định vai trò, hình ảnh, uy tín và vị thế của một “Việt Nam mới” trên trường quốc tế.
“Đây cũng là cơ hội để chúng ta bảo vệ có hiệu quả những lợi ích quốc gia thông qua việc tham gia bình đẳng vào hệ thống thương mại quốc tế cũng như để bảo vệ những lợi ích tối thượng của quốc gia, của nền kinh tế và của nhân dân. Từ chỗ là quốc gia tham gia trong khung khổ hội nhập trước kia như Tổ chức thương mại thế giới (WTO) hay AFTA trong ASEAN thì giờ đây chúng ta đã trở thành một trong những quốc gia dẫn dắt trong các khung khổ hội nhập và đưa các hiệp định thương mại tự do đa biên này đến thành công. Chính vì vậy, vị thế chính trị, uy tín ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế đã được khẳng định và mang lại những lợi ích rất rõ nét cho Việt Nam cả trong trước mắt và dài hạn” - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nói.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Việt Nam ngày càng có được nhiều lợi thế từ hội nhập. Rõ thấy nhất là thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi có hiệu quả các FTA, Việt Nam đã cải thiện đáng kể việc tiếp cận thị trường xuất khẩu, tạo thêm việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững hơn.
“Việt Nam trong những năm qua có điểm rất lợi về thế trận hội nhập, đó là ký kết được nhiều FTA, nhiều đối tác chiến lược, đi nhanh về FTA, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gắn với xu thế chung của thế giới rất tốt, đó là hình thành mạng sản xuất, chuỗi giá trị, những thị trường rộng lớn nhất, những nhà đầu tư và kinh doanh tốt nhất. Do đó là điều kiện tốt để Việt Nam tham gia học hỏi, nắm bắt và đây là lợi thế của Việt Nam đã có được” - TS. Võ Trí Thành đánh giá.
Tính đến cuối năm 2020, với 14 Hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực đã cho các kết quả hết sức nổi bật trong hoạt động thương mại quốc tế được định danh bằng những con số thực, đưa Việt Nam từ một nền kinh tế nhập siêu trong suốt nhiều thập niên đã cân bằng được cán cân thương mại và có thặng dư và liên tục xuất siêu trong cả giai đoạn 5 năm 2016-2020.
Trong đó, năm 2019 Việt Nam xác lập tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 500 tỷ USD. Năm 2020 vừa qua tiếp tục ghi nhận kim ngạch xuất nhập khẩu đã vượt qua con số hơn 540 tỷ USD và mức xuất siêu “kỷ lục” với hơn 19 tỷ USD Mỹ. Những con số này đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu; đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.
Đây là kết quả rất đáng ghi nhận trong bối cảnh thương mại toàn cầu có nhiều biến động, chính sách “nước lớn”, chủ nghĩa bảo hộ ở một số quốc gia và đại dịch covid-19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế, tài chính Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận: “Xuất nhập khẩu đóng góp một tỷ trọng rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Việc chúng ta đạt được tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên 500 tỷ USD là tin vui, bởi con số này vượt tất cả thành tích về xuất nhập khẩu của chúng ta trong những năm qua. Đây là tín hiệu tốt, thể hiện Việt Nam ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới”.
Thu hút nguồn vốn FDI cũng liên tục lập những “kỷ lục mới”. Nếu như trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2014 số vốn FDI đăng ký hàng năm chỉ quanh ngưỡng 20 tỷ USD và vốn thực hiện khoảng 10 tỷ USD, thì trung bình mỗi năm ở giai đoạn 2016-2020, số vốn FDI đạt hơn 30 tỷ USD và tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này cũng ở mức rất cao.
Hiện nay cả nước đã có một cộng đồng doanh nghiệp với khoảng 800.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ, trong đó có hơn 20.000 doanh nghiệp FDI. Việt Nam đã có những doanh nghiệp 100% vốn trong nước được xếp hạng trong khu vực và nhiều thương hiệu sản phẩm, hàng hóa của ta được thế giới từ biết đến đã trở nên yêu thích, tin dùng. Đội ngũ lao động Việt Nam cũng được đào tạo bài bản hơn, được rèn luyện trong môi trường cạnh tranh hội nhập bình đẳng, công bằng và văn minh hơn.
Không chỉ chủ động và tích cực hội nhập quốc tế để phát triển kinh tế đất nước, Việt Nam đã và đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế một cách toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả theo đúng chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng được bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Bà Elizabeth Truss - Bộ trưởng Thương mại quốc tế Vương quốc Anh và Bắc Ireland ghi nhận và đánh giá cao Việt Nam trong việc nhanh chóng hoàn thiện, ký kết Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh (UKVFTA) để có hiệu lực từ đầu năm nay. Việt Nam sẵn sàng ủng hộ hợp tác quốc tế, trong đó khẳng định Việt Nam ủng hộ Vương quốc Anh nộp đơn tham gia vào Hiệp định CPTPP.
“Vương Quốc Anh rất vui mừng khi thời gian qua Việt Nam đã có sự ủng hộ rất mạnh mẽ việc Anh tham gia vào khu vực mậu dịch tự do rất quan trọng như CPTPP. Trong thời đại ngày nay khi 1 số quốc gia có xu hướng bảo hộ mậu dịch thì chúng ta cùng nhau tiếp tục cam kết thương mại tự do. Anh sẽ cùng với các đối tác đồng chí hướng như Việt Nam để hiện thực hóa các vấn đề kinh tế thông qua thương mại tự do đem lại nhiều hứa hẹn đặc biệt trong bối cảnh phục hồi từ Covid-19” - Bà Elizabeth Truss nói.
Chủ động hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đàm phán, ký kết và thực thi các Hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, trong đó có các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như CPTPP hay EVFTA đã giúp cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện rất rõ rệt, đặc biệt là cơ hội để tăng tính bền vững trong phát triển, không chỉ trong phát triển thị trường mà còn định hình khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng của khu vực và toàn cầu./.