Festival thủy sản Việt Nam lần thứ lần thứ nhất do Uỷ ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp tổ chức bế mạc tối 27/4 sau 4 ngày diễn ra.
Đây thật sự là ngày hội quy tụ các nhà khoa học, người nuôi, doanh nghiệp và các tỉnh, thành phố có nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản lớn của Việt Nam - lực lượng đã góp phần mang sản phẩm thuỷ sản của đất nước đến các thị trường trên thế giới. Ngày hội khép lại nhưng đã mở ra những cơ hội mới cho thuỷ sản Việt Nam trong đó có Đồng bằng sông Cửu Long tiến ra biển lớn.
Qua 4 ngày diễn ra, với sự tham dự của khoảng 30 tỉnh, thành phố, các văn phòng xúc tiến thương mại nước ngoài và các tập đoàn xuất nhập khẩu thủy sản lớn, Festival Thủy sản Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ đã diễn ra với gần 20 nội dung bao gồm cả phần lễ và phần hội, thu hút khoảng 1 triệu lượt người đến tham dự. Tại Festival Thuỷ sản lần thứ nhất, có 31 nhà khoa học, nông dân, ngư dân và doanh nghiệp tiêu biểu được tôn vinh, trao thưởng vì có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành thuỷ sản.
ưCó 5 bằng chứng nhận Guiness Việt Nam đối với Bộ sưu tập “Khai thác thuỷ sản” và “Ngư cụ đường sông”; con cá ba sa lớn nhất, con cá tra lớn nhất và con tôm sú lớn nhất. Trong đó, hoạt động nổi bật là Hội chợ Thương mại Thủy sản Việt Nam đã thu hút 160 đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia với 470 gian hàng trưng bày giới thiệu, quảng bá thế mạnh các sản phẩm, dịch vụ chuyên về thuỷ sản. Qua đó, trị giá các hợp được ký kết, hợp đồng ghi nhớ và hàng hoá bán ra tại hội chợ đạt trên 260 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ các hoạt động chính của Festival Thuỷ sản Việt Nam lần thứ nhất, Hội Thảo Thuỷ sản Việt Nam “Tiềm năng-phát triển và hội nhập” đã một lần nữa đề cập đến sự phát triển “nóng” của nghề nuôi và chế biến xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, đặc biệt ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bên cạnh những thuận lợi, ngành Thuỷ sản Việt Nam nói chung, trong đó có khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện còn gặp những khó khăn thách thức, đặc biệt là dưới sức ép cạnh tranh ngày càng tăng của quá trình hội nhập quốc tế. Do vậy, thông qua các hoạt động của Festival cũng như điểm nhấn là Hội thảo chuyên đề về thuỷ sản đã giúp các địa phương, nông dân, ngư dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, doanh nhân tìm kiếm các phương pháp, hình thức và biện pháp tốt nhất để liên kết, hợp tác đầu tư về nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ thủy sản trong và ngoài nước phù hợp với điều kiện tiềm năng, đặc thù của từng vùng, từng địa phương.
Theo ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Festival Thuỷ sản là dịp để tiếp tục khẳng định lại mục tiêu hướng nghề nuôi và chế biến thuỷ sản của Việt Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long hướng đến sự bền vững, đảm bảo chất lượng cao và an toàn theo yêu cầu thị trường với giá thành hợp lý.
Festival Thủy sản Việt Nam lần thứ nhất đã khép lại nhưng qua đó là điều kiện thuận lợi, là cơ hội để các tỉnh, thành phố, các doanh nghiệp cùng trao đổi hợp tác, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, liên doanh, đưa thủy sản Việt Nam có thương hiệu nổi tiếng trên thương trường quốc tế và đáp ứng tốt nhu cầu đời sống nhân dân; tạo thế chủ động trong tiến trình hội nhập kinh tế với các nước trong khu vực và thế giới. Từ đó làm nền tảng để tiến tới xây dựng thương hiệu Thủy sản Việt Nam; tiến tới xây dựng Lễ hội Thủy sản Việt Nam trở thành sự kiện của quốc gia được tổ chức thường niên tại thành phố Cần Thơ./.