Trung Quốc đã nhắm FedEx như một mục tiêu trong cuộc chiến thương mại đang leo thang với Mỹ, đồng thời vừa công bố các tiêu chí về những công ty nước ngoài có thể bị đưa vào danh sách đen vì không đáng tin cậy.

Diễn biến xuất phát vụ FedEx chuyển "nhầm'' tài liệu của Huawei đến Mỹ, như một cảnh báo của Trung Quốc sau khi ông Donald Trump áp các lệnh cấm các công ty nước này làm ăn với Huawei Technologies.

cuoc_chien_my_trung_ecnm.png
FedEx rơi vào tầm ngắm trả đũa của Trung Quốc dành cho Mỹ. Ảnh: Bloomberg.

Theo Tân Hoa Xã, một công ty nước ngoài bị liệt vào danh sách không đáng tin cậy khi Trung Quốc xem xét việc liệu họ có phân biệt đối xử với các công ty trong nước hay không. Các tiêu chí khác bao gồm vi phạm quy tắc thị trường, vi phạm hợp đồng, gây tổn hại cho các công ty Trung Quốc và các mối đe dọa thực tế hoặc tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia.

Vẫn còn sự khác biệt khá lớn về quan điểm giữa hai nước trong đàm phán nhằm hạ nhiệt chiến tranh thương mại. Hôm qua (1/6), thuế trả đũa của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ đã được kích hoạt, ảnh hưởng đến hơn 2.400 mặt hàng. Mức thuế từ 10% trước đó đã được nâng lên 25%.

Tuần qua, FedEx đã xin lỗi vì vụ giao nhầm hàng của Huawei. Công ty công nghệ cũng tuyên bố đang xem lại mối quan hệ với nhà cung cấp dịch vụ giao hàng này của Mỹ. Trước đó, hôm 28/5, Huawei nói với Reuters rằng hai gói hàng của họ gửi từ Nhật Bản tới Trung Quốc nhưng lại bị FexEx tự động chuyển hướng tới văn phòng công ty tại Memphis, Tennessee (Mỹ).

Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra vì FedEx đã vi phạm luật pháp và quy định của nước này, làm hại khách hàng bằng cách chuyển sai địa chỉ.

"Hiện tại, Trung Quốc đã thiết lập một danh sách tiêu chí các đối tượng không đáng tin cậy. Cuộc điều tra về FedEx sẽ là một cảnh báo cho các công ty và cá nhân nước ngoài khác vi phạm luật pháp, quy định của Trung Quốc", Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc cho biết trong một bài bình luận.

Theo Bloomberg, danh sách tiêu chí đối tượng không đáng tin cậy sẽ giúp Trung Quốc mở ra cơ hội nhắm mục tiêu vào các doanh nghiệp công nghệ toàn cầu của Mỹ như Alphabet, Qualcomm và Intel cho đến các nhà cung cấp không phải công ty Mỹ nhưng đã cắt quan hệ với Huawei như Toshiba và Arm.

FedEx khẳng định họ coi trọng việc kinh doanh tại Trung Quốc cũng như mối quan hệ với các khách hàng nước này. "FedEx sẽ hoàn toàn hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào về cách mà chúng tôi phục vụ khách hàng", công ty tuyên bố.

Trung Quốc sẽ công bố bảng lập trường đàm phán thương mại với Mỹ vào hôm nay (2/6) tại Bắc Kinh. Tài liệu sẽ được phát hành vào lúc 10h sáng. Thứ trưởng Bộ Thương mại Wang Shouwen sẽ nhận các chất vấn.

Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Kellyanne Conway nói ông Trump có thể yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin gặp gỡ các quan chức Trung Quốc khi ở Nhật Bản vào tuần tới.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ đang sôi sục bởi các mối đe dọa về thương mại, khi S&P 500 có tháng 5 tồi tệ nhất trong bảy năm qua. Các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối tháng này tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 ở Osaka, với hy vọng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng./.