Hiện tại, các nhà hoạch định chính sách của các cơ quan quản lý tiền tệ này vẫn đang trong cuộc tranh luận sôi nổi về tốc độ tăng lãi suất, có tính đến những tác động không mong muốn từ các chính sách tiền tệ thắt chặt.

Trong bối cảnh nổi lên những thách thức trong việc thích nghi với các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan quản lý tiền tệ như FED hay ECB, giới chuyên gia kinh tế lo ngại việc tiếp tục duy trì đà tăng lãi suất cao có thể khiến kinh tế Mỹ suy thoái sâu hơn, từ đó kéo tụt kinh tế toàn cầu.

Sau 11 lần tăng lãi suất trong chưa đầy 18 tháng, lãi suất tại Mỹ hiện ở mức 5,25-5,5%, mức cao nhất trong 22 năm. Tuy nhiên, việc tăng nhanh lãi suất vẫn chưa đưa được lạm phát về mức mục tiêu 2% mà FED đặt ra, dù lạm phát đã giảm mạnh từ các mức cao kỷ lục nhiều thập kỷ.

Dù để ngỏ khả năng FED có thể tăng lãi suất, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell mới đây vẫn kêu gọi hành động thận trọng khi đánh giá các số liệu cũng như triển vọng và những rủi ro.  Hiện các nhà phân tích và các nhà hoạch định chính sách vẫn đang bất đồng về khả năng FED tăng lãi suất lần thứ 12 tại cuộc họp vào tháng 9 tới đây.

Ông James Early, Giám đốc đầu tư Công ty môi giới Internet của Mỹ BBAE cho biết: "Lạm phát không giảm nhanh như mong muốn của FED. Chi tiêu tiêu dùng vẫn quá cao. Vì vậy, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell về cơ bản đã nói rõ rằng chúng ta vẫn chưa hoàn tất việc tăng lãi suất".

Trong khi đó, chuyên gia Brendan Ahern, Giám đốc đầu tư của Công ty quản lý đầu tư KraneShares của Mỹ cho rằng: "Thị trường tin rằng FED sẽ tạm dừng tăng lãi suất thêm vào tháng 9 tới để đo lường lạm phát cũng như xác định phản ứng của nền kinh tế Mỹ đối với các đợt tăng lãi suất trước đó".

Về phía ECB, các nhà hoạch định chính sách của ngân hàng này ngày càng lo lắng về triển vọng kinh tế đang trên đà xấu đi. Chủ tịch ECB Christine Lagarde đề cập những thách thức mà ECB đang đối mặt, từ những thay đổi lịch sử, bao gồm sự chuyển dịch trên thị trường năng lượng cho tới sự phân chia của thương mại toàn cầu.

Mặc dù tránh đề cập đến các quyết định trong những tháng tới, song bà Lagarde lưu ý rằng mặc dù lạm phát bề ngoài có vẻ chậm lại nhưng những áp lực cơ bản cũng như rủi ro vẫn tồn tại. Vì vậy, các quyết định liên quan đến việc tăng lãi suất trong thời gian tới của ECB sẽ phụ thuộc vào triển vọng lạm phát, tốc độ tăng trưởng giá cốt lõi và tác động của các biện pháp chính sách tiền tệ.