Chiều 30/12, Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Số liệu được đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) công bố cho thấy, trong năm 2013, sản lượng điện thương phẩm thực hiện đạt 115,28 tỷ kWh, tỷ lệ tổn thất hệ thống điện ở mức 8,87%, thấp hơn 0,45% so với chỉ tiêu 9,32%.

Trong đó, tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2013 là 169.906 tỷ đồng, bao gồm thu nhập từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định và vật tư thu hồi, thu nhập từ hoạt động cho thuê cột điện đã được tính giảm trừ trong chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013 là 1.473,8 đồng/kWh, trong đó, tổng chi phí khâu phát điện là 130.912 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phát điện theo điện thương phẩm là 1.135,57 đồng/kWh.

Tổng chi phí khâu truyền tải điện là 9.200 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu truyền tải điện theo điện thương phẩm là 79,8 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phân phối - bán lẻ điện là 29.047,41 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phân phối, bán lẻ điện theo diện thương phẩm là 251,97 đồng/kWh. Tổng chi phí khâu phụ trợ - quản lý ngành là 746,29 tỷ đồng, tương ứng với giá thành khâu phụ trợ - quản lý ngành theo điện thương phẩm là 6,47 đồng/kWh.

caitaoluoi_ydol.jpgNăm 2013, tổng chi phí khâu truyền tải điện của EVN là 9.200 tỷ đồng. (Ảnh: KT)
Cục Điều tiết điện lực cũng cho biết, chi phí sản xuất kinh doanh điện tại các huyện đảo, khu vực chưa nối lưới điện quốc gia được hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2013.

Khoản bù giá cho chi phí sản xuất kinh doanh điện trong năm 2013 tại các huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Phú Quý (tỉnh Bình Thuận), Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) là 214,35 tỷ đồng do giá bán điện bình quân thực tế tại các huyện đảo Phú Quốc, Phú Quý và Lý Sơn tương ứng bằng 62,7%, 48,94% và 32,52% giá thành sản xuất kinh doanh điện.

Như vậy, doanh thu bán điện năm 2013 của EVN sau kiểm toán là 172.903,33 tỷ đồng (tương ứng giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện là 1.499,82 đồng/kWh).

Trong đó, thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2013 là 1.941 tỷ đồng, trong đó bao gồm thu nhập từ tiền bán công suất phản kháng 392,96 tỷ đồng; thu nhập từ hoạt động tài chính của Công ty mẹ - EVN, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và các Tổng công ty Điện lực đạt 1.106,22 tỷ đồng.

Lợi nhuận từ hoạt động đầu tư vào các công ty cổ phần (số liệu do EVN báo cáo) đạt 441,81 tỷ đồng. Tổng cộng lãi hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện năm 2013 của EVN là 4.938,44 tỷ đồng.

Cục Điều tiết điện lực cũng thông tin, theo báo cáo của cơ quan kiểm toán độc lập (Công ty TNHH Deloitte Việt Nam), tổng chi phí chênh lệch tỷ giá chưa hạch toán vào giá thành sản xuất kinh doanh điện đến 31/12/2013 là 8.811 tỷ đồng.

Không tính chi phí xây bể bơi, sân tenis vào giá thành

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực khẳng định, theo quy định kiểm tra giá thành, tổ công tác đã kiểm tra toàn bộ các chi phí của EVN. Đối với những chi phí liên quan đến các công trình nhà cửa phục vụ cho việc vận hành của nhà máy như nhà đi ca, nhà trực vận hành… theo quy định sẽ được đưa vào giá thành sản xuất điện.

Riêng đối với những cho phí cho các công trình bên ngoài như biệt thự, bể bơi, sân tennis, nhà liền kề… không được tính vào giá thành sản xuất điện. Kinh phí thu được từ những hệ thống nhà xây cho cán bộ công nhân viên thuê cũng đã được trừ từ giá thành chi phí của ngành điện.

Tại buổi họp báo, ông Đinh Quang Tri - Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng thông tin thêm về số dư nợ trong 2 năm 2010 và 2011 của EVN. Theo đó, với số lỗ trong 2 năm này đã lên tới 12.000 tỷ đồng và lỗ chênh lệch tỷ giá là 26.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo báo cáo kiểm toán đã nêu, toàn bộ sỗ lỗ từ sản xuất kinh doanh đã được bù hết, số dư nợ chỉ còn lại 8.811 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá, EVN phải treo lại để xử lý tiếp.

Ông Tri cũng cho biết, mặc dù chưa có kết quả quyết toán năm 2014, nhưng qua tính toán sơ bộ hiện nay, do điều chỉnh giá than cho sản xuất điện chi phí sản xuất đã tăng thêm 2.271 tỷ đồng; điều chỉnh giá khí trên bao tiêu 1.414 tỷ đồng; biến động tỷ giá 128 tỷ đồng; thuế tài nguyên nước nộp thêm 1.504 tỷ đồng; chi phí tiếp nhận lưới điện nông thôn 1.019 tỷ đồng; lắp đặt tụ bù 267 tỷ đồng và một số chi phí cho các nhà máy IPP khoảng 1.800 tỷ đồng; bổ sung chi phí môi trường rừng cho các nhà máy thủy điện nhỏ 166 tỷ đồng và giảm chi phí do cơ cấu sản lượng từ thủy điện 2.055 tỷ đồng. Với những chi phí phát sinh như trên cộng với số dư nợ do chênh lệch tỷ giá 8.811 tỷ đồng, hiện EVN đang có tổng chi phí khoảng 15.000 tỷ đồng.

Để xử lý số chi phí này, ông Tri cho biết, EVN sẽ tính đến các phương án: Tăng giá điện để bù vào số chi phí kể trên, nhưng hiện tại chưa thể tăng giá điện nên EVN kiến nghị Chính phủ cho hoãn thanh toán số chênh lệch tỷ giá 8.811 tỷ đồng sau năm 2015. Bởi theo chế độ kế toán bình thường, EVN phải hạch toán trong giá thành nhưng giá điện và phân bổ xong số chênh lệch tỷ giá này đến hết năm 2015.

Ngoài ra, đối với những chi phí phải thanh toán cho Petro Việt Nam do giá khí gas tăng, EVN cũng sẽ báo cáo Bộ Công Thương xin phép chậm thanh toán./.