EVN đã giảm được số lỗ dự kiến từ 11.000 tỷ đồng xuống còn hơn 3.500 tỷ đồng. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2011 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh đã cho biết các nội dung trên.

“Là DN kinh doanh thì phải có lãi. Việc tập đoàn phải làm các chính sách thì vẫn phải làm nhưng sẽ phải từng bước khắc phục tình trạng thua lỗ” – ông Phạm Lê Thanh khẳng định.

Ông Dương Quang Thành – Phó TGĐ EVN cho biết, sản lượng điện sản xuất và mua năm 2011 đạt 106,33 kwh, bằng 96% kế hoạch năm (tăng 9,24% so năm 2010). Trong đó, điện sản xuất đạt 47,54 tỷ kwh, chiếm 44,7% và điên mua là 58,79 tỷ kwh.

Điện thương phẩm, năm 2011 của EVN đạt 94,04 tỷ kwh, bằng 95,8% kế hoạch năm (tăng 9,74% so năm 2010), trong đó điện thương phẩm nội địa ước đạt 92,616 tỷ kwh, tăng 9,59%.

Theo lãnh đạo tập đoàn, tăng trưởng điện thương phẩm giảm dần về cuối năm, dẫn đến nhu cầu điện giảm trong năm 2011 là do nhiều ngành, lĩnh vực và công ty giảm quy mô giảm suất vì chi phí đầu vào tăng cao, tiêu thụ sản phẩm giảm sút, hàng tồn kho lớn, đặc biệt là các ngành thép, xi măng, vật liệu xây dựng…

Trong năm qua, các TCT điện lực tiếp tục tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn. Đến hnay đã tiếp nhận về cơ bản gần hết 5.100 xã với 7,4 triệu hộ dân nông thôn, chỉ còn 810 xã hiện còn nằm trong kv2 (theo thỏa thuận với WB thì sau khi đã đầu tư xong các địa phương mới bàn giao cho ngành điện). Đã có 81% số xã và 84% số hộ nông thôn đã mua điện trực tiếp từ các đơn vị của EVN và được hưởng đúng giá mà Đảng và Chính phủ qui định.

Vẫn thiếu nguồn đầu tư cho truyền tải

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty truyền tải điện quốc gia cho biết: Lưới điện hiện quá cũ nát nhưng không có nguồn để đầu tư. “Chúng ta đầu tư cho nguồn điện đã chậm một nhịp, còn truyền tải lại chậm thêm một nhịp nữa. Nếu tình trạng này kéo dài, tới đây nhiều nhà máy xây dựng xong thì sẽ phải đắp chiếu vì không có đường dây. Và Vũng Áng cũng đang nằm trong nguy cơ này.

Đồng tình quan điểm này, TGĐ Phạm Lê Thanh cho rằng, truyền tải đang là vấn đề lớn của EVN. Khi tổng kết TSĐ điện 6, nguồn điện đáp ứng được khoảng 70% nhưng lưới điện thì chỉ đáp ứng được trên 60%. Khó khăn này xuất phát từ 2 vấn đề: vốn và giải phóng mặt bằng. Tập đoàn đã nâng giá truyền tải từ 68 đồng lên 77 đồng trong năm 2011 nhưng Tổng công ty truyền tải điện Quốc gia cũng không đủ bù đắp chi phí, không đủ tiền để thu xếp vốn.

Nếu tăng giá 1 lần cho truyền tải điện là 50 đồng (thành 127 đồng), như kiến nghị của ông Nguyễn Mạnh Hùng thì chưa thể áp dụng ngay trong thời điểm hiện nay, nhưng theo ông Phạm Lê Thanh, đây là yêu cầu hoàn toàn hợp lý, trong bước chuyển tiếp thì EVN sẽ phải điều chỉnh dần dần.

“Chúng tôi đã bàn phương thức chia sẻ khó khăn với TCT truyền tải điện quốc gia bằng việc giao một số dự án 220 kV có tính quốc gia cho một số TCT phân phối điện để cùng “chia lửa”. Trong năm 2012, EVN sẽ xem xét điều chỉnh chi phí cho TCT Truyền tải điện quốc gia”.

Về giá bán điện năm 2011, EVN ước giá bình quân là 1.220,41 đồng/kwh, vượt kế hoạch 2011 là 6,82 đồng/kwh và tăng 159,3 đồng/kwh so với năm 2010. Trong đó, giá bán điện cho sản xuất là 1.108 đồng/kwh, tăng 112,42 đồng/kwh so năm 2010, điện bán cho ngành xi măng, sắt thép chiếm 10,78% điện thương phẩm với giá bình quân là 1.047,9 đồng/kwh.

Trong năm 2012, ngành điện sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, khảo sát với những nhà máy thép ngoài qui hoạch. “Nếu chỉ cần ngừng sản xuất 1 nhà máy thép thì đủ điện cho cả 1 huyện” – ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng về giá điện tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành công thương diễn ra mới đây: Kiên quyết không bán điện dưới giá thành cho các hộ sản xuất. “Đây là nguyên tắc bất di, bất dịch. Chúng ta tiếp tục điều chỉnh giá điện cho các hộ này. Với giá điện như thế, EVN sẽ cân đối để các TCT không bị lỗ trong năm 2012” – theo ông Thanh.

Trong năm 2012, EVN tập trung mạnh vào việc tái cấu trúc tập đoàn, kiên quyết thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư ngoài ngành như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng; Thực hiện nghiêm việc bàn giao hạ tầng viễn thông của EVN Telecom cho Viettel…

Ông Phạm Lê Thanh cũng đặc biệt lưu ý các TCT về công tác quản trị; Rà soát lại toàn bộ qui chế, qui định, chức năng, nhiệm vụ để có thể vận hành DN một cách trôi chảy, thuận lợi…/.