Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) được đánh giá là Hiệp định toàn diện chất lượng cao và cân bằng lợi ích cho cả 2 bên.
Sau khi Hiệp định có hiệu lực, gần 100% hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh Châu Âu (EU) được xóa bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình 7 năm. Riêng với ngành dệt may, với việc cắt giảm thuế theo quy định, các doanh nghiệp dệt may có thêm nhiều dư địa để tăng trưởng thị phần.
Dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định EVFTA. |
Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang EU sẽ tăng thêm 81%. Đặc biệt, trong bối cảnh những diễn biến khó dự đoán như bảo hộ mậu dịch, căng thẳng thương mại, tác động của dịch bệnh Covid-19, Hiệp định sẽ giúp doanh nghiệp dệt may Việt Nam có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may nhận định: “Đây là lợi thế rất lớn, trong điều kiện hiện nay nguồn nguyên liệu đang bị khan hiếm, chúng ta lại phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc – đất nước đang có dịch bệnh và gặp nhiều khó khăn. Khi EVFTA được thông qua, các doanh nghiệp sẽ phải tìm mọi giải pháp, ví dụ như khai thác nguồn nguyên liệu ở các nước khác, đặc biệt là nguồn nguyên liệu vải từ Hàn Quốc, bởi trong hiệp định có quy định đây là trường hợp ngoại lệ. Chúng ta sử dụng vải của Hàn Quốc, một quốc gia có ký Hiệp định thương mại tự do với EU và Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp cũng phải tập trung để khai thác nguồn nguyên liệu từ các nước khác”.
EVFTA mang lại rất nhiều cơ hội cho dệt may Việt Nam, tuy vậy, để được hưởng ưu đãi thuế quan, các doanh nghiệp phải bảo đảm hàng hóa đáp ứng đủ và đúng theo yêu cầu về quy tắc xuất xứ./.
EVFTA: Động lực thúc đẩy phát triển thể chế và môi trường kinh doanh