Ngày 28/1, EU đã chính thức đưa thành viên mới nhất của khối này là Croatia vào 1 cơ chế giám sát chặt chẽ vì nước này đã vi phạm mức giới hạn thâm hụt ngân sách và triển vọng nợ ngày càng xấu đi. Croatia cũng được yêu cầu phải cắt giảm thâm hụt ngân sách và nợ công vào năm 2016.

bo-truogn-eu.jpg
Các Bộ trưởng Tài chính EU cho rằng, Croatia nên học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực về cách giải quyết các vấn đề tài chính. (ảnh: AP)

Croatia trở thành thành viên thứ 28 của EU từ tháng 7/2012, hiện đang phải chịu tình trạng suy thoái kéo dài, thất nghiệp gia tăng, tài chính công bất ổn và quản lý kinh tế yếu kém.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's hồi tuần trước cũng đã cắt giảm mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Croatia. Phát biểu tại một cuộc họp của các Bộ trưởng Tài chính EU tại Bỉ, Bộ trưởng Tài chính Áo Michael Spindelegger cho biết: “Chúng tôi có những qui tắc chung cho tất cả các quốc gia thành viên của EU. Croatia cũng như Áo, đều phải tuân theo các qui tắc này. Tôi hi vọng Croatia sẽ sớm đạt được tăng trưởng kinh tế và sớm bước ra khỏi tình trạng thâm hụt ngân sách hiện nay”.

Các Bộ trưởng Tài chính EU cũng cho rằng, Croatia nên học hỏi kinh nghiệm của các nước trong khu vực về cách giải quyết các vấn đề tài chính. Về phần mình, Bộ trưởng tài chính nước này, ông Slavko Linic cho biết, nội các Croatia đang xem xét các khuyến nghị của EU, song lại cảnh báo rằng, Chính phủ Croatia trước hết vẫn cần phải cân nhắc mức độ tác động của việc giảm ngân sách tới thu nhập và chi tiêu chính phủ./.