Cùng với buýt nhanh BRT, Hà Nội cũng đang kỳ vọng về sự “đột phá” của loại hình vận tải hành khách công cộng khác, đó là hệ thống đường sắt đô thị trong việc giúp người dân giảm dần phương tiện cá nhân, thích ứng tốt hơn với vận tải hành khách công cộng cũng như giải bài toán ùn tắc giao thông.

Nhưng, liệu hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội đang triển khai có đảm đương được sứ mệnh đó khi có quá nhiều lùm xùm về tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, nhất là những bất cập, nghi ngại khả năng kết nối. Bài học về sự thất bại của buýt nhanh BRT vẫn còn rất mới, và câu hỏi được đặt ra là khi đi vào vận hành, khai thác, đường sắt đô thị Hà Nội và buýt nhanh BRT có cùng chung một “phận”?.

Hoài nghi, là tâm lý chung của không ít người dân, chuyên gia trong lĩnh vực giao thông, đô thị khi nhận định về khả năng phát huy hiệu quả vận tải hành khách của dự án đường sắt đô thị mà Hà Nội đang triển khai.

duong_sat_mvhw_sdvl.jpg
Liệu hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội đang triển khai có đảm đương được sứ mệnh đó khi có quá nhiều lùm xùm về tình trạng đội vốn...

“Bỏ qua” điệp khúc - thực trạng đội vốn, chậm tiến độ, ông Dương Nhạc, trú tại Khu tập thể Đại học Tài chính, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cho rằng, “kiểu gì cũng về đích”, song điều ông nghi ngại là hiệu quả của loại hình vận tải công cộng mới này. Với thói quen sử dụng xe cá nhân và những “cản trở” từ thiết kế, khả năng kết nối... dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, hay Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Nhổn - Ga Hà Nội rất khó “kéo” hành khách đi tầu. Trong đó, một câu hỏi mà hầu như mọi người dân đều muốn giải đáp là họ sẽ gửi phương tiện cá nhân ở đâu khi muốn đến các nhà ga đi tầu?. Bởi, tại các nhà ga trên tuyến không có điểm trông giữ xe đạp, xe máy...

Ông Dương Nhạc nhận định: "Ngay từ khi khởi công tôi đã nghi ngờ là không hiệu quả. Tôi nghĩ nếu anh đầu tư xe buýt chạy ở tần suất cao có khi hiệu quả hơn đường sắt đô thị. Điểm nữa là khả năng kết nối của đường sắt đô thị không đồng bộ. Giả sử tôi đến đi đường sắt thì tôi gửi xe máy ở đâu?Mà tôi có xe máy thì tôi chẳng đi đường sắt từ Cầu Giấy xuống Hà Đông. Quá nhiều vấn đề tôi thấy không hợp lý, không đồng bộ".

Nhìn nhận về dự án, các chuyên gia cho rằng, tuyến đường sắt đô thị là “mạch máu” giao thông công cộng của đô thị, bởi năng lực vận chuyển nhanh, mỗi chuyến có thể vận chuyển hàng nghìn lượt hành khách. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra cần cả một giải pháp tổng thể, đồng bộ trong thiết kế, kết nối hạ tầng giao thông...

Nhiều người băn khoăn về độ an toàn của đường sắt đô thị Hà Nội.

Đối với dự án Cát Linh - Hà Đông - tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước, nên được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả, phục vụ đi lại thuận tiện cho người dân và góp phần giảm ùn tắc giao thông. Trong thời gian đầu khai thác chính thức, rất có thể đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ “hút” được người dân trải nghiệm, đi thử để “so tài cao thấp” với các loại hình phương tiện khác, nhất là trong bối cảnh trục giao thông chính cửa ngõ thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, do là tuyến đường sắt đầu tiên nên bị rơi vào thế độc đạo, chưa có kết nối, liên thông với tuyến đường sắt khác dẫn đến hạn chế trong việc thu hút hành khách. Số lượng khách đi từ đầu tuyến đến cuối tuyến sẽ không nhiều. Đây chính là “điểm nghẽn” sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông khi đưa vào vận hành, khai thác.

Ông Nguyễn Huy Minh, nguyên giảng viên Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội phân tích: "Hiện tại thì người dân vẫn chưa quen với đường sắt trên cao nên chưa đi. Vấn đề thứ hai mà tôi lo ngại là an toàn. Như đoạn Ngã Tư Sở, tôi thấy ngài về độ cao không đạt tiêu chuẩn, mà siêu cao không đạt tiêu chuẩn thì có rủi ro về an toàn. Rồi Depot, chỗ lên xuống ga tầu không tiện ích. Mà không tiện ích thì dân không đi...".

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng, vận tải đường sắt, ông Nguyễn Sỹ Tứ, nguyên Giám đốc Công ty tư vấn Thiết kế đường sắt, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ủng hộ chủ trương xây dựng đường sắt đô thị. Bởi đây là xu hướng phát triển giao thông công cộng tại nhiều thành phố trên thế giới.

Bài học về sự thất bại của buýt nhanh BRT vẫn còn rất mới, và câu hỏi được đặt ra là khi đi vào vận hành, khai thác, đường sắt đô thị Hà Nội và buýt nhanh BRT có cùng chung một “phận”?.

Trong đó, tối ưu vẫn là hệ thống ngầm, nhưng đường sắt trên cao tại Hà Nội là một sự lựa chọn trong điều kiện, khả năng nguồn lực. Song điều quan trọng là thiết kế, chất lượng xây dựng, tính kết nối... đó có đảm bảo. Và thực tế này tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội đang cho thấy không ít vấn đề lo ngại.

Ông Nguyễn Sỹ Tứ nói: "Công trình làm phải đảm bảo chất lượng. Thứ hai là đơn giá đưa ra ban đầu bây giờ tăng lên quá nhiều. Để lâu quá dẫn đến mất lòng tin. Rồi vấn đề kết nối. Theo tôi kết nối như vậy rất là kém. Ví dụ, nếu hành khách xuống Cát Linh rồi sẽ đi như thế nào? Phải có những kết nối, nhưng chúng ta chưa có. Quy hoạch này quá chậm".

Một vấn đề nữa mà nhiều chuyên gia nghi ngại sẽ ảnh hưởng đến khả năng “hút hành khách” của dự án đường sắt đô thị Hà Nội là vị trí của một số nhà ga, nhất là trên tuyến bao nhiêu lần “chốt” ngày về đích rồi lại lỗi hẹn Cát Linh - Hà Đông. Đó có thể kể đến vị trí khu dân cư đông đúc bậc nhất trên toàn tuyến Cát Linh - Hà Đông là Royal City, nhưng khoảng cách đến các nhà ga lại không thuận tiện. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân có thể là do dự án đường sắt đô thị được thiết kế cách đây nhiều năm, nên việc bố trí vị trí một số nhà ga “không bắt kịp” sự phát triển của đô thị./.

Bài viết cùng loạt bài "Đường sắt đô thị Hà Nội liệu có một BRT lặp lại?"

Bài 2: Hai loại hình cùng chung một phận?